BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG

10 bài học từ sách Châm Ngôn (Phần 2)

Sau khi đã xem xét 5 nguyên tắc quan trọng từ sách Châm Ngôn trong phần 1, chúng ta hãy tiếp tục suy ngẫm về 5 nguyên tắc tiếp theo trong sách Châm Ngôn để có được sự khôn ngoan và thành công trong cuộc sống.

6. Học cách giao tiếp khôn ngoan

“Lưỡi người khôn ngoan đem lại sự chữa lành. Môi chân thật bền vững đời đời; Còn lưỡi dối trá chỉ tồn tại trong chốc lát” (Châm. 12:18-19).

Sách Châm Ngôn cũng cho chúng ta biết lợi ích của sự giao tiếp khôn ngoan, đặc biệt qua lời nói. “Lời nói ân hậu giống như tàng ong, Ngon ngọt cho tâm hồn và khỏe mạnh cho xương cốt” (16:24), “Sống chết do nơi quyền của lưỡi; Người yêu chuộng nó sẽ ăn bông trái của nó” ( 18:21).

Giao tiếp qua lời nói hay cử chỉ đều xuất phát từ tấm lòng của chúng ta. Do đó, chúng ta phải “cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (4:23). Các lời khuyên dạy trong sách Châm Ngôn rất thiết thực đối với các mối quan hệ, chẳng hạn như: “Đừng thường xuyên bước chân đến nhà người lân cận con, Kẻo người chán con và trở lòng ghét con chăng” (25:17). Châm Ngôn đoạn 26 hướng dẫn chúng ta cách cư xử với người ngu dại (c.3-12), với kẻ biếng nhác (c.13-16), cách đề phòng những kẻ giả dối (c.25-28). Giao tiếp khôn ngoan giúp chúng ta tránh được những tai họa cũng như đem lại ích lợi cho những người xung quanh chúng ta.

7. Sử dụng của cải đúng mục đích

“Có người rải của cải mình ra, lại được nhiều hơn; Cũng có người quá keo kiệt, nhưng chỉ được sự túng thiếu. Người có lòng rộng rãi sẽ được thịnh vượng, Ai cho người uống nước, chính mình sẽ được nước uống” (Châm Ngôn 11:24-25).

Sách Châm Ngôn cung cấp một kho tàng hiểu biết sâu sắc về cách xem xét và sử dụng của cải khôn ngoan. Với một cái nhìn vô cùng thực tế về sự giàu có, tác giả cho rằng: “Tài sản là thành trì kiên cố của người giàu có” (Châm. 10:15). Tiền bạc mang lại sự ưu ái và “nhiều bạn bè” (14:20; 19:4). Tiền bạc tuy có giá trị nhưng cũng có hạn chế, đó là nó khiến nhiều người không nhận ra rằng: “Người nào tin cậy nơi của cải mình sẽ bị sụp đổ” (11:28).

Lập kế hoạch tài chính sẽ giúp chúng ta không chi tiêu phung phí. Sự tiết kiệm khôn ngoan sẽ giúp giải quyết các nhu cầu cấp bách (21:20). Lập kế hoạch cẩn thận, chu đáo giúp dẫn đến “sự dư dật” (21:5). Lập kế hoạch là xem xét tình hình tài chính thực tế của mình. Nói suông (14:23) và mơ tưởng (28:19) chỉ dẫn đến nghèo đói. Chúng ta cần làm việc chăm chỉ để chu cấp cho bản thân và gia đình (27:23-27). Tuy nhiên, chúng ta cũng “đừng nhọc công để làm giàu” (Châm. 23:4) vì sự giàu sang không tồn tại mãi mãi. Chúng ta cần nhận thức được rằng mọi thứ thực chất không thuộc về chúng ta. Không ai qua đời có thể đem tài sản mình theo được. Chúng ta thực ra là quản gia của Đức Chúa Trời trên đất này. Ngài sẽ ban cho chúng ta tùy theo lòng rộng rãi Ngài nhìn thấy nơi chúng ta. Ban cho thể hiện sự tin cậy nơi Chúa của chúng ta. Thay vì đeo đuổi tiền bạc, hãy tìm kiếm Chúa. Như chúng ta đã thấy, tiền bạc là một nguồn tài nguyên quý giá và có những nguyên tắc trong Châm Ngôn giúp chúng ta quản lý những gì Đức Chúa Trời đã ban cho. Tuy nhiên, nhận biết và kính sợ Đức Chúa Trời quý hơn nhiều sự giàu có (15:16). Chúng ta cũng nhớ mục đích của cải Chúa ban là để chúng ta tôn vinh Ngài (3:9) và chia sẻ cho người khác (11:24-25).

8. Mặc lấy sự khiêm nhường

“Sự kiêu ngạo đi trước sự hủy diệt, Và tính tự cao đi trước sự sa ngã” (Châm. 16:18).

Khi đạt được những thành công nhất định, chúng ta rất dễ tự hào và cho rằng những điều mình đạt được đến từ sự nỗ lực và tài năng của mình. Tuy nhiên, một trong những điều Đức Chúa Trời ghét nhất đó là sự kiêu ngạo (6:17). Kiêu ngạo là khi chúng ta thích người khác khen mình và tôn trọng mình. Chúng ta cũng cho rằng ý kiến của mình là đúng, và xem thường ý kiến của người khác. Sự kiêu ngạo khiến chúng ta ngày càng rời xa Chúa và sa ngã trong con đường mình.
Trái lại với sự kiêu ngạo, người khiêm nhường là người nhận biết sự tể trị của Đức Chúa Trời. Châm Ngôn dạy chúng ta rằng trong khi chúng ta có thể lập kế hoạch và toan tính đường lối cho mình, nhưng cuối cùng chỉ có mục đích và kế hoạch của Đức Chúa Trời mới hoàn thành (Châm. 16:1, 3, 9, 33; 19:21, 20:24). Do đó, chúng ta hãy “phó các việc mình cho Đức Giê-hô-va, thì những mưu ý mình sẽ được thành-công” (16:3). Khi đạt được những thành công trong đời, chúng ta hãy dâng vinh hiển cho Chúa và hết lòng biết ơn Ngài vì thành công của chúng ta có là nhờ vào Chúa (21:31). Sự khiêm nhường chân thật là nhận biết sự yếu đuối và giới hạn của mình và tin mọi điều chúng ta có đến từ nơi Chúa.

9. Xây dựng mối quan hệ lành mạnh

“Bạn bè thương mến nhau luôn luôn; Và anh em sinh ra để giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn” (Châm. 17:17).

Không chỉ đề cập đến những điều quan trọng trong đời sống tâm linh, Châm Ngôn cũng hướng dẫn chúng ta những điều cần thiết trong đời sống hằng ngày, như chú trọng đến việc xây dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ xung quanh chúng ta. Chân thành và cảm thông luôn là cơ sở để phát triển các mối quan hệ. Xung quanh chúng ta có nhiều mối quan hệ như vợ chồng, cha mẹ, con cái, đồng nghiệp, hàng xóm… Phát triển những mối quan hệ tốt đẹp sẽ giúp chúng ta thành công và hạnh phúc. Trong gia đình, người vợ cần phải trau dồi phẩm hạnh và chăm lo gia đình mình để trở thành mão triều thiên cho chồng (12:4), Người chồng cần nhận biết rằng: “Ai tìm được một người vợ là tìm được một điều phước. Và hưởng được ân lành từ Đức Giê-hô-va” (18:22). Đối với bạn bè, Châm Ngôn khuyên chúng ta “thương mến nhau luôn luôn” và “giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn”.

10. Quan tâm và nuôi dưỡng thế hệ kế tiếp

“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó” (Châm 22:6).

Tại Việt Nam, người trẻ dưới 35 tuổi chiếm 50% dân số. Họ là nguồn lực rất quan trọng và linh hồn họ thật quý giá trước mặt Chúa. Người trẻ cũng đối diện nhiều cám dỗ và thách thức trong đời sống. Thanh thiếu niên và thiếu nhi trong hội thánh cần sự quan tâm, định hướng và nhìn thấy gương mẫu từ chúng ta trên bước đường theo Chúa. Dạy dỗ thế hệ tiếp theo cũng là một chủ đề được sách Châm Ngôn nhấn mạnh. Châm Ngôn 22:6 khuyên chúng ta dạy cho trẻ thơ đường lối của Chúa và khám phá những khả năng độc đáo của trẻ, nuôi dưỡng và mài dũa thành những điều quý giá tốt đẹp để khi trưởng thành, trẻ không lạc khỏi phẩm chất tuyệt vời đó. Hãy dạy cho thế hệ trẻ những điều mà chúng ta đã học ở trên, bắt đầu từ việc “kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu tri thức” (1:7).
Như Môi-se đã trao nhiệm vụ lãnh đạo cho Giô-suê, Ê-li trao “áo choàng” tiên tri lại cho Ê-li-sê, sứ đồ Phao-lô viết những lá thư khích lệ Ti-mô-thê, chúng ta cũng có trách nhiệm nuôi dưỡng và dạy dỗ thế hệ trẻ mà Chúa giao phó.

Không chỉ 10 điều được nhắc đến trên đây, sách Châm Ngôn còn chứa đựng nhiều châu báu khác dành cho chúng ta khám phá để có được sự khôn ngoan thật. Sự khôn ngoan thật dẫn đến sự sống đời đời. Thay vì hướng với những thành công tạm bợ của thế gian này, chúng ta hãy tìm kiếm lẽ thật và áp dụng Lời Chúa để kinh nghiệm sự sống đời đời. Châm Ngôn có 31 đoạn tương ứng với 31 ngày của một tháng, chúng ta có thể đọc mỗi ngày một đoạn, hoặc đọc một đoạn trong nhiều ngày để suy ngẫm và áp dụng trong đời sống mình. Chúng ta sẽ vui mừng nhận ra rằng: “Mọi lời của Đức Chúa Trời đều được tinh luyện: Ngài là cái khiên cho người nương cậy nơi Ngài” (30:5).

Tác giả: Hồng Vinh

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/