Tôi nhóm lại với một hội thánh nằm trên một cánh đồng khá rộng, đây là một điều hiếm có tại đảo quốc Singapore (một đất nước chỉ dài hơn 40 km và rộng hơn 14 km). Trước đây, những người lao động nhập cư thường tụ tập vui chơi, ăn uống trên khu đất nhà thờ mỗi Chúa Nhật.
Việc này gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong vòng những người đi nhà thờ. Một số người lo ngại họ sẽ xả rác bừa bãi. Nhưng một số khác thì lại xem đây là cơ hội Chúa đem đến để họ bày tỏ lòng hiếu khách với những người xa lạ mà thậm chí không cần ra khỏi khuôn viên nhà thờ!
Chắc hẳn dân Y-sơ-ra-ên đã đối diện với vấn đề tương tự trong thời của họ. Sau khi định cư trong vùng đất mới, họ phải vất vả tìm cách xây dựng mối liên hệ với các dân khác. Nhưng Chúa đã truyền lệnh rõ ràng là họ phải cư xử với người ngoại bang giống như với đồng bào của mình và phải yêu thương họ như chính mình (Lê. 19:34). Nhiều luật lệ của Chúa đặc biệt đề cập đến người ngoại bang: không được ngược đãi hay áp bức họ nhưng phải yêu thương và giúp đỡ họ (Xuất. 23:9, Phục. 10:19). Nhiều thế kỷ sau, Chúa Jêsus cũng truyền cho chúng ta phải làm điều tương tự: yêu thương người lân cận như chính mình (Mác 12:31).
Nguyện chúng ta cũng có tấm lòng của Chúa để biết yêu thương người khác như chính mình, nhớ rằng chúng ta cũng chỉ là những lữ khách trên đất. Dầu vậy, chúng ta được yêu thương như dân của Chúa, được đối đãi như dân thuộc về Ngài.
Chú Giải
Câu chuyện Ru-tơ (một phụ nữ Mô-áp) cho thấy một minh họa cảm động về việc “yêu thương ngoại kiều.” Mô-áp là vùng đất của dân ngoại nằm ở phía đông của Biển Chết. Dân Mô-áp là dòng dõi của Mô-áp, con trai của Lót (Sáng. 19:37). Trong suốt hành trình ra khỏi Ai Cập và qua những đời trị vì của Sau-lơ và Đa-vít, dân Mô-áp thường chinh chiến với dân Y-sơ-ra-ên.
Trong thời các quan xét, Na-ô-mi, Ê-li-mê-léc và các con trai đã định cư ở Mô-áp để tránh nạn đói ở Y-sơ-ra-ên (Ru-tơ 1). Trong thời gian họ ở đó, Ê-li-mê-léc qua đời, các con trai cưới những người nữ Mô-áp (Ru-tơ và Ọt-ba), rồi sau đó họ cũng qua đời. Vì không có ai chăm sóc cho mình, Na-ô-mi và Ru-tơ đã rời Mô-áp để trở về Bết-lê-hem, tại đây Ru-tơ là ngoại kiều (có lẽ bà đã bị coi khinh vì xuất thân của mình).
Họ đến đó vào “đầu mùa gặt lúa mạch” (c.22). Là góa phụ, Ru-tơ được phép theo sau những con gặt để mót lúa. Nàng may mắn gặp được đám ruộng của Bô-ô, người bà con của Ê-li-mê-léc (2:3). Nhưng đó không phải là sự tình cờ. Lòng tốt của Bô-ô đã khiến ông và bà Ru-tơ được kể đến trong dòng dõi của Vua Đa-vít (và Chúa Jêsus) (Mat. 1:5-16).
Bạn cảm thấy thế nào về việc bày tỏ lòng tốt với khách lạ?