Trong khi đi mua máy giữ ẩm, tôi chú ý đến một phụ nữ lớn tuổi đang đi tới đi lui trên lối đi. Tôi nghĩ chắc bà cũng đang đi mua máy giữ ẩm nên nhường chỗ để bà bước lên trước. Không lâu sau đó, chúng tôi nói chuyện với nhau về một dịch cúm đang xuất hiện trong khu vực đã khiến bà bị ho và đau đầu dai dẳng.

Vài phút sau, bà tuôn ra một tràng chỉ trích cay đắng, suy đoán về nguồn gốc của dịch cúm. Tôi chỉ biết lắng nghe và không biết nên nói thế nào. Lát sau, bà rời cửa hàng, vẫn còn tức tối và thất vọng. Mặc dù chứng kiến sự thất vọng của bà nhưng tôi lại không thể làm gì để xoa dịu nỗi đau của bà.

Đa-vít, vị vua thứ hai của Y-sơ-ra-ên đã viết các bài Thi Thiên để trình bày nỗi giận dữ và thất vọng của mình với Chúa. Nhưng Đa-vít biết rằng Chúa không chỉ lắng nghe, Ngài còn làm điều gì đó với nỗi đau của ông. Trong Thi Thiên 61, ông viết: “Vì tâm hồn con khốn khổ; xin dẫn con đến vầng đá cao hơn con” (c.2). Chúa là “nơi trú ẩn” của ông (c.3), là “vầng đá” mà Đa-vít chạy đến.

Khi chúng ta đau đớn, hoặc tiếp xúc với ai đó đang đau đớn, thật tốt để noi theo cách Đa-vít đã làm. Chúng ta có thể tiến về “vầng đá cao hơn” hoặc dẫn người khác đến đó. Tôi ước gì mình đã nói về Chúa cho người phụ nữ tại cửa hàng. Dù có thể Chúa không cất đi mọi nỗi đau của chúng ta, nhưng chúng ta có thể nghỉ yên trong sự bình an của Ngài và trong sự đảm bảo rằng Ngài lắng nghe tiếng kêu cầu của chúng ta.