Khi pháo rơi xung quanh với tiếng nổ đùng đùng làm đất trời rung chuyển, người lính trẻ cầu nguyện khẩn thiết: “Lạy Chúa, nếu Ngài cho con sống sót qua trận này, con sẽ đi học trường Kinh Thánh mà mẹ con muốn.” Chúa đã chấp nhận lời cầu nguyện của ông ấy. Bố tôi đã sống sót qua Thế Chiến II, rồi ông theo học tại Viện Thánh Kinh Moody và dành cả cuộc đời để phục vụ Chúa.
Một chiến binh khác cũng trải qua cơn khủng hoảng khác mà đã đưa ông đến với Chúa, nhưng nan đề lại xuất hiện khi ông tránh né việc ra trận. Khi đạo quân của vua Đa-vít đánh trận cùng dân Am-môn thì Đa-vít ở lại tại cung điện, ngắm nhìn vợ của người khác (xem II Sam. 11). Trong Thi Thiên 39, Đa-vít thuật lại quá trình phục hồi đầy đau đớn khỏi tội lỗi kinh khiếp ra từ chuyện này. Ông viết: “Còn nỗi đau đớn cứ dâng lên. Lòng con như nung như đốt. Khi con suy ngẫm, lửa bùng cháy lên” (c.2-3).
Tâm linh đau thương của Đa-vít đã khiến ông phải thốt lên: “Lạy Đức Giê-hô-va, xin cho con biết sự cuối cùng của đời con, và số các ngày con là thế nào; Xin cho con biết đời mình mỏng manh dường bao!” (c.4). Với trọng tâm mới, Đa-vít không tuyệt vọng nữa. Ông đã từng không có nơi nào để hướng về. Nhưng “bây giờ con trông mong gì? Niềm hi vọng của con ở nơi Chúa” (c.7). Đa-vít đã sống sót qua trận chiến cá nhân này và tiếp tục hầu việc Chúa.
Lý do thúc đẩy đời sống cầu nguyện của chúng ta không quan trọng bằng trọng tâm của lời cầu nguyện. Chúa là nguồn hy vọng của chúng ta. Ngài muốn chúng ta chia sẻ tấm lòng mình với Ngài.
Chú Giải
Thi thiên 38 và 39 bày tỏ sự hối tiếc của Đa-vít về những tội lỗi của mình (38:3-4; 39:10). Có lẽ ông đã viết hai Thi thiên này sau khi buộc phải thừa nhận tội ngoại tình với Bát-sê-ba và âm mưu giết chồng bà (II Sa. 11-12). Hoặc hai Thi thiên này phản ánh hậu quả đau buồn của quyết định điều tra dân số để đánh giá sức mạnh quân sự quốc gia (c.24).
Điều rõ ràng là trong hai bài ca buồn này, vị vua thứ hai của Y-sơ-ra-ên đã cho chúng ta thấy bức tranh về tấm lòng bị nung đốt (Thi. 39:3). Cả hai đều phản ánh quá trình tôi luyện yêu thương mà Đức Thánh Linh dùng để thiêu đốt những ảo ảnh của nỗ lực cá nhân nhằm thỏa mãn hoặc bảo vệ bản thân mà trả giá bằng người khác. Một khi đã bắt đầu, ngọn lửa sẽ bùng cháy. Đối với Đa-vít, ngọn lửa tội lỗi cũng đã lan rộng rồi tàn phá lòng tin của ông về cuộc sống mong manh (c4-5), và sự theo đuổi hão huyền nhằm tích lũy của cải tạm bợ (c.6, 11).