Tôi rất lo lắng khi mẹ vợ tôi lên cơn đau tim nhưng bà đã may mắn được cứu chữa ngay. Bác sĩ nói với tôi rằng với những bệnh nhân lên cơn đau tim nguy kịch nếu được cứu chữa trong vòng mười lăm phút thì tỷ lệ sống sót là 33%, nhưng nếu điều trị sau khoảng thời gian đó thì tỉ lệ chỉ còn 5%.
Trên đường đi đến chữa lành cho con gái của Giai-ru đang bị bệnh nặng (cần được cứu chữa ngay lập tức), Chúa Jêsus đã làm điều không thể tưởng tượng được: Ngài dừng lại (Mác 5:30) để nhận ra ai đã chạm vào Ngài, rồi nhẹ nhàng nói chuyện với người phụ nữ đó. Bạn có thể tưởng tượng những gì Giai-ru đang nghĩ: Không có thời gian cho việc này, con gái tôi sắp chết! Và rồi, điều ông sợ nhất đã thành sự thật – Chúa Jêsus dường như trì hoãn quá lâu và con gái ông đã qua đời (c.35).
Nhưng Chúa Jêsus quay sang Giai-ru và động viên: “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi” (c.36). Sau đó, Ngài điềm tĩnh bỏ qua sự nhạo báng của những người xung quanh, Ngài phán với con gái Giai-ru và khiến nó sống lại! Chúa Jêsus bày tỏ rằng Ngài không bao giờ chậm trễ. Thời gian không thể giới hạn những gì Ngài có thể làm và thời điểm Ngài chọn để làm.
Chúng ta rất thường cảm thấy như Giai-ru khi nghĩ rằng Chúa đã quá trễ để làm thành những gì chúng ta trông mong. Nhưng với Chúa, không có điều gì là quá trễ. Ngài không bao giờ chậm trễ trong việc hoàn thành công việc tốt đẹp và nhân từ của Ngài trong cuộc đời chúng ta.
Chú Giải
Mác sử dụng câu chuyện Chúa khiến con gái Giai-ru sống lại như là ví dụ minh họa về đức tin. Không giống với sự thiếu đức tin của các môn đồ lúc đó (Mác 4:40), trong Mác 5, một người phụ nữ được chữa lành nhờ đức tin của bà (c.34). Ngay sau sự chữa lành này, Giai-ru thông báo về cái chết của con gái ông (c.35). Để đáp lại, Chúa Jêsus khích lệ Giai-ru: “Hãy tin” (c.36).
Trong tiếng Hy Lạp, chữ ‘tin’ được viết ở thì hiện tại và có thể được đọc là ‘tiếp tục tin cậy’. Dù trong cái nhìn của chúng ta, Giai-ru không còn gì để hy vọng con gái ông được chữa lành, nhưng Chúa Jêsus đã kêu gọi ông tiếp tục tin cậy. Bằng cách này, Mác minh họa về loại đức tin mà vẫn tiếp tục hy vọng ngay cả khi không còn lý do để hy vọng nữa. Mặc dù không phải tất cả những bi kịch đều được chữa lành trong đời này, nhưng sự phục sinh của Đấng Christ có nghĩa là luôn có lý do để tín hữu tiếp tục tin cậy (xem II Cô 4:13-14).