Có thể những người cùng lớn lên với William Carey (1761–1834) tại một ngôi làng ở Anh nghĩ rằng ông sẽ không đạt được nhiều thành tựu. Nhưng ngày nay ông được biết đến như là cha đẻ của phong trào truyền giáo hiện đại. Sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là thợ dệt, ông trở thành một giáo viên không quá thành công, rồi ông làm nghề đóng giày trong lúc tự học tiếng Hy Lạp, Do Thái và La-tinh. Sau nhiều năm, ông nhận ra ước mơ của mình là trở thành giáo sĩ cho Ấn Độ. Nhưng ông đã đối diện với nhiều khó khăn khi con qua đời, vợ bị bệnh suy nhược thần kinh, và sự thiếu hưởng ứng từ những người ông phục vụ suốt nhiều năm.
Điều gì khiến ông kiên trì phục vụ giữa nhiều khó khăn khi ông dịch toàn bộ Kinh Thánh sang sáu ngôn ngữ và một phần Kinh Thánh sang hai mươi chín thứ tiếng khác? Ông nói: “Tôi có thể làm việc khó nhọc, tôi có thể kiên trì trong bất kỳ công việc nào đã xác định”. Ông cam kết phục vụ Chúa bất kể gặp thử thách gì.
Sự dấn thân phục vụ Đấng Christ cũng là điều tác giả sách Hê-bơ-rơ khuyên chúng ta. Ông kêu gọi những người đọc bức thư của mình đừng “lười biếng” (Hê. 6:12), nhưng hãy “bày tỏ lòng nhiệt thành như vậy để giữ vững niềm hy vọng cho đến cuối cùng” (c.11) khi họ tìm kiếm sự tôn vinh Chúa. Ông đã đảm bảo với họ rằng Chúa “không phải là bất công mà quên công việc và lòng yêu thương của anh em đã bày tỏ” (c.10).
Trong những năm về sau của William Carey, ông đã suy ngẫm về cách Chúa liên tục chu cấp những nhu cầu của mình. “Chúa chưa bao giờ thất hứa, vì vậy tôi không thể bỏ cuộc trong sự phục vụ Ngài”. Nguyện Chúa cũng ban cho chúng ta năng lực để phục vụ Ngài mỗi ngày.
Chú Giải
Có rất nhiều tranh luận về danh tính tác giả thư Hê-bơ-rơ. Nhiều người cho rằng đó là Ba-na-ba và Phao-lô. Vị tác giả ẩn danh này thường xuyên khích lệ độc giả (hầu hết là các Cơ Đốc nhân Do Thái) kiên nhẫn và trung tín trong đức tin. Phân đoạn Kinh Thánh Hê-bơ-rơ hôm nay thúc đẩy người đọc đừng “lười biếng” nhưng phải làm việc siêng năng (6:11-12). Các bản Kinh Thánh khác dịch từ lười biếng là “lờ đờ” hoặc “uể oải”, là điều dường như phù hợp với chủ đề của phân đoạn này: khích lệ sự kiên trì “cho đến cuối cùng” dù bị bắt bớ. Để kiên trì, các Cơ Đốc nhân không được “uể oải” trong đức tin. Họ cần phải luôn đứng vững mạnh mẽ và cứ phục vụ người khác (c.10-11). Để giúp họ trong hành trình của mình, các Cơ Đốc nhân được khích lệ “bắt chước những người bởi đức tin và lòng kiên nhẫn mà hưởng được lời hứa” (c.12).