Khi đóng quân trong quân đội ở Đức, tôi đã mua một chiếc Volkswagen Beetle 1969 mới toanh. Chiếc xe rất đẹp! Bên ngoài màu xanh đậm, hài hòa với nội thất giả da màu nâu bên trong. Nhưng theo năm tháng, chiếc xe đã bị hư hao vì nhiều điều xảy ra, bao gồm một tai nạn đã khiến nó bị hư bàn đạp và một cánh cửa. Trong tưởng tượng, tôi đã nghĩ: “Chiếc xe cổ điển của tôi có thể phục hồi lại được!” Và nếu có nhiều tiền hơn thì tôi đã sửa chữa nó. Nhưng điều đó không xảy ra.
Thật biết ơn Chúa, Đấng nhìn thấy rõ và có nguồn lực vô hạn, vì Ngài luôn kiên nhẫn với những người yếu đuối và tuyệt vọng. Thi Thiên 85 mô tả những người được phục hồi, và Chúa là Đấng có thể phục hồi. Bối cảnh có thể là lúc dân Y-sơ-ra-ên trở về sau bảy mươi năm lưu đày (họ bị hình phạt vì nổi loạn nghịch cùng Chúa). Khi nhìn lại, họ có thể thấy ân điển cùng sự tha thứ của Ngài (c.1-3). Họ được thôi thúc để cầu xin Chúa giúp đỡ (c.4-7) và mong đợi những điều tốt đẹp từ Ngài (c.8-13).
Có ai trong chúng ta đôi lúc không cảm thấy mình thất bại, yếu đuối và tuyệt vọng? Và đôi khi là vì điều gì đó mà chúng ta tự gây ra cho chính mình. Nhưng vì Chúa là Đấng phục hồi và tha thứ nên những ai hạ mình đến với Ngài sẽ không bao giờ phải tuyệt vọng. Với vòng tay rộng mở, Ngài chào đón những ai quay về với Ngài; và những ai đến với Ngài sẽ tìm được sự an ninh trong tay Ngài.
Chú Giải
Thi Thiên 85 bắt đầu với sự đề cập về Gia-cốp (c.1). Một số bản dịch là “Y-sơ-ra-ên”, vì tác giả không chỉ nói đến tổ phụ của một dân tộc, nhưng cũng nói đến con cháu của ông. Việc tác giả thi thiên chọn từ “Gia-cốp” là điều đáng để chú ý. Khi dân của Chúa nhận thấy rằng một lần nữa họ cần đến lòng thương xót của Chúa, họ thường nhắc đến bản thân mình là “dòng dõi của Gia-cốp”. Cũng giống như gia đình họ, họ cũng hèn mọn và đầy thiếu sót. Gia-cốp dường như luôn được nhớ đến là người dối trá và lừa lọc cho đến khi Chúa thay đổi tấm lòng của ông và đổi tên ông thành Y-sơ-ra-ên.
Từ ban đầu, chính Chúa đã dạy dỗ dân Ngài để họ nhớ đến Ngài là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp (Sáng. 50:24; Xuất. 3:15; Cv. 7:32). Đây là cách để nhắc nhở dân sự – khi đó và bây giờ – rằng niềm hy vọng duy nhất của họ là ở trong Chúa, Đấng có đủ sự nhân từ để tha thứ và thay đổi họ.