Ngày 9 tháng 11 năm 1989, thế giới kinh ngạc khi nghe tin Bức Tường Berlin sụp đổ. Bức tường chia cắt thành phố Berlin của nước Đức đã đổ xuống và thành phố bị chia cắt suốt 28 năm được thống nhất trở lại. Mặc dù trung tâm của niềm vui đó là nước Đức, nhưng cả thế giới đã cùng chia sẻ niềm hân hoan này. Một điều tuyệt vời đã xảy ra!
Khi dân Y-sơ-ra-ên trở về quê hương vào năm 538 TC sau khi bị lưu đày gần 70 năm, sự kiện quan trọng đó cũng vô cùng quan trọng. Thi Thiên 126 bắt đầu bằng việc nhìn lại thời điểm đầy vui mừng đó trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên. Sự kiện đó được thể hiện bằng tiếng cười, niềm hân hoan, ca hát vui mừng và sự công nhận của các nước rằng Chúa đã làm những việc vĩ đại cho dân Ngài (c.2). Và những người nhận sự giải cứu đầy thương xót của Chúa đã đáp lại thế nào? Những việc vĩ đại của Chúa đã khiến họ rất vui mừng (c.3). Hơn nữa, những việc Chúa làm trong quá khứ trở thành nền tảng cho những lời cầu nguyện mới mẻ cho hiện tại và niềm hy vọng tươi sáng cho tương lai (c.4-6).
Bạn và tôi chắc chắn dễ dàng nhìn thấy những điều vĩ đại Chúa làm trong kinh nghiệm của riêng mình, đặc biệt nếu chúng ta tin Đức Chúa Trời qua Con Ngài là Chúa Jêsus. Fanny Crosby, tác giả Thánh ca thế kỷ 19 đã nói lên điều này khi viết: “Ngài đã dạy những điều vĩ đại, Ngài đã làm những điều lớn lao, chúng con có được sự vui mừng lớn qua Chúa Jêsus Con Ngài”. Đúng vậy, vinh quang thuộc về Chúa, vì Ngài đã làm những điều vĩ đại!
Chú Giải
Thi Thiên 126 là một trong 15 bài ca đi lên từng bậc (Thi Thiên 120-134). Những thi thiên này được biết đến như là bài hát của những người hành hương và thường được những người Do Thái hát khi họ đi lên đền thờ tại Giê-ru-sa-lem để tham dự 3 kỳ lễ bắt buộc (Lễ Vượt Qua hay Lễ Bánh Không Men; Lễ Ngũ Tuần; và Lễ Lều Tạm). Chúng ta biết về mệnh lệnh này trong Phục Truyền 16:16. Một số học giả tin rằng người Lê-vi hát những bài hát này khi họ bước lên từng bậc để đến phục vụ tại đền thờ. Thi Thiên 126 kêu gọi những người thờ phượng vui mừng khi nhớ lại việc “Đức Giê-hô-va đã đưa những người bị lưu đày của Si-ôn trở về” (c.1), hoặc Giê-ru-sa-lem, rất có thể là khi dân sự trở về từ cuộc lưu đày ở Ba-by-lôn trong thời E-xơ-ra.