Một trong những ký ức thời thơ ấu của tôi về hội thánh là hình ảnh vị mục sư bước xuống ở lối đi và bảo chúng tôi “nhớ đến nước của phép báp-têm”. Nhớ đến nước? Tôi tự hỏi: Làm sao có thể nhớ đến nước? Sau đó, ông mục sư tiến hành vẩy nước lên mọi người. Điều này làm tôi rất thích thú và khó hiểu khi còn bé.
Tại sao chúng ta nên nghĩ về phép báp-têm? Khi một người chịu báp-têm thì vấn đề không chỉ là nước. Phép báp-têm tượng trưng rằng bởi đức tin nơi Chúa Jêsus, chúng ta được mặc lấy Ngài (Ga. 3:27). Hay nói cách khác, đó là dấu mốc kỷ niệm chúng ta thuộc về Ngài và Ngài sống trong chúng ta và qua chúng ta.
Như thể ý nghĩa đó chưa đủ, phân đoạn này cho biết rằng nếu chúng ta được mặc lấy Đấng Christ thì trong Ngài, chúng ta có được địa vị là con cái Đức Chúa Trời (c.26). Như vậy, bởi đức tin chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời, không bởi tuân theo luật pháp Cựu Ước (c.23-25). Chúng ta không còn bị chia rẽ bởi giới tính, văn hóa và địa vị. Chúng ta được tự do và hiệp nhất nhờ Đấng Christ và bây giờ thuộc riêng về Ngài (c.29).
Vì vậy, có rất nhiều lý do chính đáng để ghi nhớ phép báp-têm và ý nghĩa của phép báp-têm. Chúng ta không chỉ tập trung vào cách thực hiện mà còn là ý nghĩa của phép báp têm, rằng chúng ta thuộc về Chúa Jêsus và trở thành con cái Đức Chúa Trời. Địa vị, tương lai và sự tự do tâm linh của chúng ta được tìm thấy nơi Ngài.
Chú Giải
Rất nhiều người đã viết về quan điểm của sứ đồ Phao-lô đối với luật pháp bởi vì điều này liên quan đến đời sống Cơ Đốc nhân. Phao-lô viết về luật pháp trong nhiều bức thư gởi cho những người đầu tiên tin theo Chúa Jêsus, đáng kể nhất là trong bức thư gởi cho người Rô-ma. Ở đây trong thư Ga-la-ti, lúc đầu Phao-lô mô tả luật pháp như người cai ngục giam giữ chúng ta cho đến khi đức tin được bày tỏ (3:23). Người cai ngục hạn chế mọi hoạt động của tù nhân và giữ họ trong giới hạn nhất định. Tuy nhiên trong câu 24, Phao-lô gọi luật pháp là người giám hộ của chúng ta – một vai trò với ý nghĩa khác. Người giám hộ bảo vệ và chịu trách nhiệm về sự an toàn; bảo vệ người mà họ chăm sóc khỏi bị tổn hại và giúp họ phát triển và thịnh vượng. Trong mỗi trường hợp, người cai ngục hay người giám hộ, Phao-lô nói rằng vì đức tin đã đến, nên vai trò đó không còn cần thiết nữa.