Tên Antonio Stradivari (1644-1737) là huyền thoại trong giới âm nhạc. Những chiếc đàn violin, cello và viola của ông rất quý giá vì sự tinh xảo và âm thanh trong sáng, rõ ràng đến mức nhiều nhạc cụ đã được đặt tên riêng. Một trong số đó được gọi là Messiah-Salabue Stradivarius. Sau khi nghệ sĩ vĩ cầm Joseph Joachim (1831-1907) chơi nhạc cụ này, ông đã viết: “Âm thanh của Strad, ‘Messie’ độc đáo đó, đã lặp đi lặp lại trong trí nhớ của tôi, với sự kết hợp ngọt ngào và hùng tráng”.
Tuy nhiên, ngay cả tên và âm thanh của nhạc cụ Stradivarius cũng không xứng đáng để so sánh với công việc của Đấng vĩ đại, là Cội Nguồn của mọi điều. Từ Môi-se đến Chúa Jêsus, Chúa của các chúa đã giới thiệu chính Ngài bằng danh trên hết mọi danh. Vì lợi ích của chúng ta, Ngài muốn sự khôn ngoan và công việc của tay Ngài được công nhận, được trân trọng và chúc tụng bằng âm nhạc (Xuất. 6:1; 15:1-2).
Tuy nhiên, lời tuyên bố về sức mạnh của Ngài trước tiếng kêu rên của dân gặp hoạn nạn chỉ mới là khởi đầu. Ai có thể thấy trước rằng, bởi sự yếu đuối của bàn tay bị đóng đinh mà một ngày nào đó Ngài sẽ để lại một di sản có giá trị đời đời và vô tận? Ai có thể đoán được âm nhạc tuyệt diệu và hùng tráng sẽ được cất lên để ca ngợi Đấng đã chết – mang lấy sự sỉ nhục bởi tội lỗi và sự khước từ của chúng ta – để bày tỏ tình yêu lớn lao của Ngài?
Chú Giải
Theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, Môi-se thỉnh cầu Pha-ra-ôn cho ra đi một thời gian để dâng của lễ cho Đức Chúa Trời (Xuất. 5:1). Pha-ra-ôn đáp lại bằng việc gia tăng khối lượng công việc nặng nề hơn cho người Hê-bơ-rơ (c.2-9). Vì bị đối xử bất công, dân sự trút cơn giận dữ này trên Môi-se và A-rôn (c.19-21). Rồi Môi-se lại nghi ngờ Chúa: “Lạy Chúa! Tại sao Chúa ngược đãi dân nầy? Sao Chúa lại sai con đến đây?” (c.22). Chúa trả lời: “Bây giờ con sẽ thấy những gì Ta làm cho Pha-ra-ôn” (6:1). Ngài cũng nhắc Môi-se nhớ rằng Ngài không bày tỏ Danh Ngài cho Áp-ra-ham, Y-sác hay Gia-cốp, nhưng Ngài đã bày tỏ điều đó với ông (3:13-15).