“Tôi chỉ muốn một trăm năm sau mọi người vẫn nhớ đến tôi”, nhà biên kịch Rod Serling đã nói điều này vào năm 1975. Nhà sản xuất bộ phim truyền hình Miền Ảo Ảnh muốn mọi người nói về ông rằng: “Ông ấy là một nhà văn”. Hầu hết chúng ta có thể đồng cảm với mong muốn của Serling, đó là để lại một di sản – một điều gì đó mang lại ý nghĩa và sự trường tồn cho cuộc đời của chúng ta.
Câu chuyện của Gióp cho chúng ta thấy một người đang vật lộn với ý nghĩa cuộc đời giữa những ngày chóng qua. Trong phút chốc, không chỉ tài sản mà tất cả con cái, là điều quý giá nhất đối với ông cũng mất đi. Sau đó, bạn hữu buộc tội ông rằng ông đáng chịu số phận này. Gióp kêu lên: “Ôi! Ước gì những lời tôi được ghi lại, được chép vào một quyển sách! Dùng bút sắt và chì, khắc vào bia đá lưu lại đến muôn đời!” (Gióp 19:23-24).
Những lời của Gióp đã được “khắc vào bia đá lưu lại đến muôn đời”. Chúng ta có những lời đó trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, Gióp cần ý nghĩa trong cuộc đời hơn là di sản mà ông để lại. Ông đã phám phá điều đó trong bản tính của Chúa. Gióp tuyên bố: “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống, đến cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất” (19:25). Sự hiểu biết này đã cho ông một khao khát đúng đắn. Gióp nói: “Chính tôi sẽ thấy Ngài, lòng tôi mong chờ đến héo hon!” (c.27).
Cuối cùng, Gióp không có được những gì ông mong đợi. Nhưng ông có được nhiều hơn thế, đó là Nguồn của mọi ý nghĩa và sự vĩnh cửu (42:1-6).
Chú Giải
Dù bị buộc tội rằng những tội lỗi kín giấu đã khiến mình phải chịu đau khổ, Gióp vẫn cho rằng mình vô tội. Trong Gióp 19:25, ông nói về Đấng Giải Cứu một ngày nào đó sẽ biện hộ cho ông. Từ được sử dụng ở đây chỉ về “Đấng Giải Cứu” thường được sử dụng trong Cựu Ước để chỉ về người bà con chuộc sản nghiệp, người bảo vệ hoặc báo thù cho người khác, hoặc người bảo vệ hoặc hỗ trợ pháp lý cho những người bà con không thể tự bảo vệ bản thân (Lê. 25:47-55; Ru. 3:9; Châm. 23:10-11; Giê. 50:34). Một số người nhìn thấy mối tương quan giữa người bà con chuộc sản nghiệp trong Cựu Ước với chức vụ cứu chuộc của Chúa Jêsus.