Mỗi mùa thu, khi chú rùa được sơn màu cảm nhận mùa đông đang đến, nó lại lặn xuống đáy ao, vùi mình trong bùn lầy. Nó thu mình vào mai và nằm im: nhịp tim chậm dần, gần như dừng lại. Nhiệt độ cơ thể nó giảm xuống, chỉ ngay trên mức đóng băng. Nó ngừng thở, và chờ đợi. Suốt sáu tháng, nó ở trong trạng thái chôn vùi và cơ thể giải phóng canxi từ xương vào máu, thậm chí nó dần bắt đầu mất đi hình dạng.
Nhưng khi băng tan đi, nó sẽ nổi lên và thở lại. Xương được tái tạo, và nó cảm nhận hơi ấm của mặt trời trên chiếc mai của mình.
Tôi nghĩ về chú rùa đó khi đọc lời mô tả của tác giả Thi Thiên về sự trông đợi Chúa. Tác giả ở trong “hầm hủy diệt” của “vũng bùn lầy”, nhưng Chúa nghe tiếng ông (Thi. 40:2). Chúa đem ông lên, và làm cho bước ông vững bền. Ông ca ngợi Chúa là “Đấng giúp đỡ và giải cứu con” (c.17).
Có lẽ bạn cảm giác mình đang mãi chờ đợi sự thay đổi của điều gì đó – hướng đi mới trong sự nghiệp, mối quan hệ được phục hồi, sức mạnh ý chí để từ bỏ thói quen xấu hoặc sự giải cứu khỏi hoàn cảnh khó khăn. Hình ảnh chú rùa ở trên và tác giả Thi Thiên nhắc nhở chúng ta tin cậy Chúa: Ngài nghe, và Ngài sẽ giải cứu.
Chú Giải
Thi Thiên 40 bao gồm cả lời ca ngợi Đức Chúa Trời vì sự giúp đỡ của Ngài trong quá khứ (c.1-10) và lời nài xin Ngài giúp đỡ một lần nữa trong cơn khủng hoảng mới (c.11-17). “Hầm hủy diệt” và “vũng bùn lầy” trong câu 2 là hình ảnh liên tưởng đến sự chết; đối với tác giả thi thiên, sự giải cứu của Đức Chúa Trời trong quá khứ là kinh nghiệm sâu sắc như được sống lại từ cõi chết. Mặc dù tác giả trải qua nhiều đau khổ đến nỗi không thể kể tên (c.12), nhưng Chúa cũng thực hiện rất nhiều việc kỳ diệu (c.5). Lịch sử lâu đời về sự thành tín của Đức Chúa Trời đem đến cho dân sự Ngài nền tảng vững chắc để tin cậy và vững lòng (c.2).