Lớn lên trong thời kỳ “Đại suy thoái”, bố mẹ tôi biết sự khó khăn kinh khủng khi còn nhỏ. Nhờ vậy, họ trở thành những người quản lý tiền bạc trung tín và tràn đầy lòng biết ơn. Nhưng họ không bao giờ tham lam. Họ dành thời gian, năng lực, và tiền bạc cho hội thánh, các nhóm từ thiện và những ai có nhu cầu. Bố mẹ tôi đã thực sự sử dụng tiền bạc cách khôn ngoan và cho đi cách vui lòng.
Là những người tin Chúa Jêsus, bố mẹ tôi ghi nhớ lời sứ đồ Phao-lô đã cảnh báo: “Còn những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy, sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại, là những điều nhận chìm con người trong sự hủy diệt và hư mất” (I Tim. 6:9).
Phao-lô đưa ra lời khuyên này cho Ti-mô-thê, vị mục sư trẻ ở thành Ê-phê-sô, một thành phố thịnh vượng, nơi sự giàu có cám dỗ mọi người.
Phao-lô cảnh báo: “Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối” (c.10).
Vậy thì, đâu là phương thuốc cho lòng tham? Chúa Jêsus nói đó là trở nên “giàu có nơi Đức Chúa Trời” (xem Lu. 12:13-21). Bằng cách theo đuổi, trân trọng và yêu kính Cha Thiên Thượng hơn hết mọi điều, Ngài vẫn là niềm vui lớn lao của chúng ta. Như tác giả thi thiên đã nói: “Mỗi buổi sáng, xin sự nhân từ của Chúa làm cho chúng con được thỏa nguyện, thì trọn đời chúng con sẽ hát mừng vui vẻ” (Thi. 90:14).
Việc vui thỏa trong Chúa mỗi ngày làm giảm đi sự khao khát đời này, khiến chúng ta được thỏa lòng. Nguyện Chúa Jêsus phục hồi sự khao khát trong tấm lòng chúng ta, làm cho chúng ta được giàu có nơi Đức Chúa Trời.
Chú Giải
Những lời sứ đồ Phao-lô nói với Ti-mô-thê về tiền bạc phản ánh lời của ông trong Công Vụ 20:35, khi ông trích dẫn lời phán của Chúa Jêsus: “Ban cho có phước hơn nhận lãnh”. Tuy nhiên, chúng ta không tìm thấy câu nói này của Chúa Jêsus trong Tân Ước. Vậy thì Phao-lô đã lấy lời này từ đâu? Có một khả năng là ông trích dẫn lời truyền miệng của những người chứng kiến. Khả năng khác là Phao-lô chỉ nói những điều ông học được từ cuộc đời và sự dạy dỗ của Chúa Jêsus theo cách của ông.
Phao-lô được giáo dục trong hệ thống có xu hướng sản sinh ra những nhà lãnh đạo tham lam tiền bạc từ mồ hôi nước mắt của người nghèo (Lu. 16:14; 20:46-47). Ông cần đến một sự biến đổi sâu sắc để có thể nghe và tin những điều Chúa Jêsus dạy qua lời nói và cách sống của Ngài - rằng giá trị của cuộc sống không được quyết định bởi số lượng tài sản mà chúng ta sở hữu (12:15).