Ernest Shackleton (1874-1922) đã dẫn đầu cuộc thám hiểm bất thành vượt qua Nam Cực năm 1914. Khi chiếc tàu của ông, có tên là Nhẫn Nại, bị kẹt trong tảng băng ở Biển Weddell, nó trở thành cuộc đua bền bỉ để sống sót. Không có bất cứ phương tiện nào để liên lạc với phần còn lại của thế giới, Shackleton và thủy thủ đoàn sử dụng thuyền cứu sinh để thực hiện chuyến hành trình đến bờ biển gần nhất – Đảo Voi. Trong khi hầu hết các thủy thủ ở lại trên đảo, Shackleton và năm thủy thủ khác dành hai tuần vượt 695 hải lý đến South Georgia để kêu gọi sự giúp đỡ cho số thủy thủ còn ở lại trên đảo. Chuyến thám hiểm “thất bại” đã ghi tên Shackleton vào sử sách cách vinh quang khi tất cả các thủy thủ đoàn đều sống sót, nhờ vào sự can đảm và nhẫn nại của họ.
Sứ đồ Phao-lô biết việc nhẫn nại có ý nghĩa thế nào. Trong chuyến hải trình đầy bão tố đến Rô-ma chịu xét xử vì đức tin nơi Chúa Jêsus, Phao-lô được thiên sứ của Đức Chúa Trời báo trước rằng tàu sẽ chìm. Nhưng vị sứ đồ tiếp tục khích lệ các thủy thủ, trông cậy vào lời hứa của Chúa rằng mọi người sẽ sống sót, mặc dù chiếc tàu bị đánh chìm (Cv. 27:23-24).
Khi thử thách đến, chúng ta có xu hướng muốn Chúa giải quyết mọi chuyện ngay lập tức. Nhưng Chúa ban cho chúng ta đức tin để nhẫn nại và trưởng thành. Như sứ đồ Phao-lô viết cho người Rô-ma: “Gian khổ sinh ra kiên nhẫn” (Rô. 5:3). Biết được điều đó, chúng ta có thể khích lệ lẫn nhau để tiếp tục tin cậy Chúa trong nghịch cảnh.
Chú Giải
Hành trình từ Giê-ru-sa-lem đến Rô-ma chiếm khoảng ba năm trong cuộc đời của sứ đồ Phao-lô, bắt đầu với việc ông bị bắt tại Giê-ru-sa-lem – điều xảy ra trong Công Vụ 21:27! Việc bắt giữ này không phải vì Phao-lô đã làm gì nhưng xuất phát từ cuộc nổi loạn của những người Do Thái. Việc bắt giữ đã dẫn đến chỗ ông bị đánh đòn (22:25-29) và hàng loạt phiên xử trước các quan chức của La Mã – không ai thấy Phao-lô có tội gì (26:30-32). Vì có quyền công dân La Mã nên Phao-lô đã kháng cáo lên Sê-sa và sự lựa chọn đó đã đưa ông vào cuộc hành trình mà xảy ra vụ đắm tàu được chép trong Công Vụ 27.