Theo Jim và Jamie Dutcher, hai nhà làm phim nổi tiếng với sự hiểu biết về loài sói, khi vui vẻ, những con sói vẩy đuôi và vui đùa với nhau. Nhưng khi một con trong đàn chết, chúng sẽ buồn bã trong nhiều tuần. Chúng đến thăm nơi đồng loại của mình chết, bày tỏ niềm thương tiếc bằng cách cụp đuôi và tru lên đau đớn.
Đau buồn là cảm xúc mà tất cả chúng ta đều trải qua, đặc biệt là khi mất đi người thân yêu hay một niềm hy vọng quý giá. Ma-ri Ma-đơ-len đã kinh nghiệm cảm xúc đó. Bà đã đi theo và giúp đỡ Chúa Jêsus và các môn đồ (Lu. 8:1–3). Nhưng sự chết đau đớn của Ngài trên thập tự giá đã chia cắt bà với Ngài. Điều duy nhất Ma-ri còn có thể làm là xức xác để chôn cất Ngài – là việc không được làm vào ngày Sa-bát. Nhưng hãy tưởng tượng cảm giác của Ma-ri khi đến mộ Chúa và điều bà nhìn thấy không phải là thi thể đầy thương tích nhưng là một Đấng Cứu Chuộc hằng sống! Dù lúc đầu bà không nhận ra người đang đứng trước mặt mình, nhưng tiếng Ngài gọi tên bà cho biết đó chính là Chúa Jêsus! Ngay tức thì, sự than khóc hóa ra vui mừng. Giờ đây, Ma-ri đã có tin vui cần chia sẻ: “Tôi đã gặp Chúa!” (Gi. 20:18).
Chúa Jêsus đã bước vào thế giới tối tăm để mang đến cho chúng ta sự tự do và sự sống. Sự phục sinh của Ngài cho biết rằng Ngài đã hoàn thành chương trình như hoạch định. Cũng như Ma-ri, chúng ta hãy vui mừng về sự phục sinh của Đấng Christ và chia sẻ tin mừng rằng Ngài đang sống! Ha-lê-lu-gia!
Chú Giải
Tên Ma-ri được dịch từ chữ Maria hoặc Mariam trong tiếng Hy Lạp (tiếng Hê-bơ-rơ là Miriam) và là một trong những cái tên thông dụng của phụ nữ thời Tân Ước. Ma-ri đầu tiên chúng ta biết đến là mẹ Chúa Jêsus (Mat. 1:16). Những người phụ nữ khác cùng mang tên này là Ma-ri ở làng Bê-tha-ni, em gái của Ma-thê và La-xa-rơ (Gi. 11:1-12:8; Lu. 10:38-41); Ma-ri, mẹ của Gia-cơ (Mác 15:40); Ma-ri, mẹ của Giăng Mác (Cv. 12:12); Ma-ri, vợ của Cơ-lê-ô-pa (Gi. 19:25); Ma-ri ở La Mã (Rô. 16:6); và Ma-ri Ma-đơ-len, người được đề cập trong Giăng 20:11-19. Tất cả các sách Phúc Âm đều viết về bà Ma-ri này trong sự kiện Chúa Jêsus chịu chết hoặc khi Ngài phục sinh, hoặc cả hai sự kiện (Mat. 27:56–61; 28:1–10; Mác 15:40, 47; 16:1; Lu. 24:10; Gi. 20:1, 18).