Cuốn Sách Về Tỷ Lệ cho biết trong một triệu người thì có một người bị sét đánh, trong 25.000 người thì có một người gặp phải tình trạng y học gọi là “hội chứng trái tim tan vỡ” do bị sốc hoặc mất mát quá lớn. Từng trang sách ghi ra tỷ lệ người gặp phải những điều cụ thể mà không hề trả lời cho câu hỏi: Sẽ thế nào nếu chúng ta là một trong số đó?
Gióp đã phá vỡ mọi tỷ lệ. Chúa nói về ông: “Trên thế gian nầy chẳng có ai được như Gióp; một người trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và tránh xa điều ác” (Gióp 1:8). Tuy vậy, Gióp được chọn để chịu một loạt những mất mát, phá vỡ mọi tỷ lệ. Trong tất cả mọi người trên đất, Gióp có lý do để cầu xin câu trả lời. Chúng ta có thể đọc hết tất cả, từ chương này đến chương khác, ông đã đấu tranh trong tuyệt vọng để hiểu: “Tại sao lại là con?”
Câu chuyện của Gióp dạy chúng ta cách đối diện với sự huyền nhiệm của đau khổ và điều ác. Bằng cách mô tả sự đau khổ và bối rối của Gióp – một trong những thí dụ tốt nhất bày tỏ sự tốt lành và thương xót của Chúa (ch. 25), chúng ta có được một cái nhìn khác về luật gieo gặt bất di bất dịch (4:7-8). Bằng cách cung cấp câu chuyện đằng sau mọi sự hỗn loạn do Sa-tan gây ra (ch. 1) và lời kết từ Chúa (42:7, 17), là Đấng một ngày nào đó sẽ cho Con Ngài gánh thế tội lỗi của chúng ta, câu chuyện của Gióp cho chúng ta lý do để sống bởi đức tin chứ không phải bởi mắt thấy.
Chú Giải
Gióp 7:17 rất giống với Thi Thiên 8:4: “Loài người là gì mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi mà Chúa thăm viếng nó?” Nhưng sự tương đồng giữa hai phân đoạn này kết thúc tại đó. Đa-vít trong Thi Thiên 8 ca ngợi Đức Chúa Trời vì Ngài quan tâm đến loài người nhiều đến nỗi đặt con người lên trên hết mọi tạo vật và “dựng nên loài người kém Đức Chúa Trời một chút” (c.5-8). Trái lại, Gióp than thở về sự quan tâm của Đức Chúa Trời: “Loài người là gì mà Chúa kể là cao trọng? Có là gì đâu mà Chúa phải quan tâm, phải viếng thăm mỗi buổi sáng, và thử thách mỗi lúc mỗi khi?” (7:17-18). Gióp cảm thấy như thể Đức Chúa Trời nhắm đến ông và không ngừng đuổi theo ông (c.11-21). Tuy nhiên đến cuối cùng, khi Chúa phán (chương 38-41), chúng ta thấy sự thay đổi trong thái độ của Gióp: “Thật, con đã nói những điều con không hiểu, những việc quá diệu kỳ mà con không hề biết” (42:3). Một lần nữa, chúng ta thấy sự tương đồng với Thi Thiên 8.