Khi Đệ Nhất Thế Chiến nổ ra năm 1914, chính khách người Anh, Edward Grey, đã tuyên bố: “Đèn đang được thắp khắp châu Âu; chúng ta sẽ không được thấy chúng sáng lên nữa trong đời mình.” Grey đã đúng. Khi “cuộc chiến để kết thúc mọi cuộc chiến” cuối cùng cũng chấm dứt, khoảng 20 triệu người bị giết (trong đó có 10 triệu thường dân) và 21 triệu người khác bị thương.
Dù không cùng tầm cỡ, nhưng sự tàn phá cũng có thể xảy ra trong đời sống chúng ta. Gia đình, công sở, hội thánh, hay xóm giềng đều có thể bị bóng đêm mâu thuẫn vây phủ. Đây là một trong những lý do Chúa kêu gọi chúng ta tạo ra khác biệt trên thế giới này. Nhưng để làm được, chúng ta phải nương cậy vào sự khôn ngoan của Ngài. Sứ đồ Gia-cơ đã viết: “Nhưng sự khôn ngoan từ thiên thượng thì trước hết là thanh sạch, rồi hiếu hòa, dịu dàng, nhường nhịn, đầy lòng thương xót và bông trái tốt lành, không chút thành kiến hay giả dối. Những người giải hòa thì gặt hái bông trái công chính đã gieo trong hòa bình” (Gia. 3:17-18).
Vai trò của người hòa giải rất quan trọng bởi kết quả mà họ đem lại. Sự công chính có nghĩa là “chỗ đứng đúng” hay “mối liên hệ đúng”. Người hòa giải có thể giúp phục hồi những mối liên hệ. Chẳng lạ gì khi Chúa Jêsus nói: “Phước cho những người hòa giải, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Mat. 5:9). Con cái Chúa, nương dựa vào sự khôn ngoan của Ngài, sẽ trở nên những công cụ giải hòa của Ngài ở những nơi cần đến nhất.
Chú Giải
Gia-cơ chương 3 chứng minh vì sao danh hiệu “sách Châm Ngôn của Tân Ước” lại phù hợp với sách Gia-cơ. Ví dụ: cả hai sách đều có cùng chủ đề về lời nói và sự khôn ngoan. Gia-cơ 3:5-12 mô tả sức mạnh của lưỡi và khả năng hủy diệt của lưỡi (xem Châm Ngôn 10:19-20, 31; 15:2, 4).
Gia-cơ 3:13-18 hướng sự chú ý của độc giả đến sự khôn ngoan và những vấn đề của tấm lòng: “Nhưng nếu anh em ghen ghét một cách đắng cay và tranh cạnh trong lòng, thì chớ khoe khoang hay dùng lời dối trá chống lại chân lý” (c.14). Các đặc điểm của “sự khôn ngoan” thuộc về thế gian hoặc ma quỷ trong câu 15-16 – ghen tị, tham vọng ích kỷ, xáo trộn và đủ mọi việc ác – trái ngược với các phẩm chất nhân đức của sự khôn ngoan thật từ Đức Chúa Trời, là thánh sạch, hiếu hòa, dịu dàng, nhường nhịn, đầy lòng thương xót và bông trái tốt lành, không chút thành kiến giả dối (c.17). Tầm quan trọng của sự khôn ngoan có thể được thấy trong Châm Ngôn 1:7; 3:13-18; 4:6-7; 14:8 và 29:11.