Lần đầu David bị cha mình đánh là vào sinh nhật bảy tuổi, sau khi cậu bé vô ý làm vỡ cửa sổ. David nói: “Ông ấy đá và đấm tôi. Sau đó, ông ấy xin lỗi. Ông ấy là kẻ nghiện rượu đầy bạo lực và đó là vòng lẩn quẩn mà hiện tôi đang cố hết sức để chấm dứt”.
Nhưng phải mất một thời gian dài David mới làm được điều đó. Hầu hết những năm tháng thiếu niên và cả những năm hai mươi tuổi, anh đều ở trong tù hoặc bị quản chế, và ra vào các trại cai nghiện. Khi cảm thấy giấc mơ đã hoàn toàn tan vỡ, David tìm thấy hy vọng tại một trung tâm điều trị Cơ Đốc khi anh bước vào mối quan hệ với Chúa Jêsus.
David nói: “Tôi đã từng chẳng có gì khác ngoài sự tuyệt vọng. Giờ đây tôi đang đi theo hướng khác. Khi tôi thức dậy vào buổi sáng, điều đầu tiên tôi thưa với Chúa là tôi đầu phục Ngài trong mọi sự”.
Khi đến với Chúa bằng cuộc đời tan vỡ, dù là do hành động sai trái của người khác hay của chính chúng ta, thì Chúa nhận lấy tấm lòng của chúng ta và khiến chúng ta trở nên mới: “nếu ai ở trong Đấng Christ… những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới!” (II Côr. 5:17). Tình yêu và cuộc đời của Đấng Christ phá vỡ các vòng lẩn quẩn của quá khứ chúng ta, ban cho chúng ta một tương lai mới (c.14-15). Và không kết thúc ở đó! Trong suốt cuộc đời, chúng ta có thể tìm được hy vọng và sức lực trong điều Chúa đã làm và tiếp tục làm trong chúng ta – trong từng khoảnh khắc.
Chú Giải
Trọng tâm của khái niệm hiệp nhất với Chúa Jêsus là công tác hòa giải của Ngài trong chúng ta. Trong II Cô-rinh-tô 5, Phao-lô đan xen nhiều chủ đề với nhau – sự sống, tình yêu, tạo vật mới và công tác hòa giải – tất cả được đóng khung bởi lời kêu gọi hành động khẩn cấp. Nhờ cuộc đời, sự chết và phục sinh của Chúa Jêsus mà chúng ta có thể phục hòa với Đức Chúa Trời. Tất cả những ai chấp nhận món quà hòa giải của Ngài không nên “vì chính mình mà sống nữa” (c.15). Thay vào đó, chúng ta buộc phải nhìn mọi người cách khác biệt (c.16), như là những người đang rất cần sự hòa giải của Chúa Jêsus. Và sự hòa giải đó là gì? Đức Chúa Trời sẽ không “kể tội lỗi cho loài người” (c.19). Với sự cấp bách, Phao-lô nói với chúng ta rằng chúng ta giờ đây là đại sứ hòa giải của Đấng Christ và “chúng tôi nhân danh Đấng Christ nài xin anh em hãy làm hòa với Đức Chúa Trời” (c.20).