Có người ném một hòn đá lớn qua cửa sổ phòng ngủ của một đứa trẻ Do Thái vào đêm đông lạnh giá. Một ngôi sao Đa-vít được trưng bày bên cửa sổ, cùng với cây đèn bảy nhánh kỷ niệm lễ Hanukkah, Lễ Hội Ánh Sáng của người Do Thái. Trong thị trấn Billings thuộc tiểu bang Montana của đứa trẻ, hàng ngàn người – có nhiều người tin Chúa Jêsus – đã đáp trả hành động thù hận bằng tình thương. Vì muốn đồng cảm với nỗi đau và sự sợ hãi của những người láng giềng Do Thái, họ đã dán hình cây đèn bảy nhánh trên cửa sổ nhà mình.
Là những người tin Chúa Jêsus, chúng ta cũng nhận được sự thương xót. Đấng Cứu Chuộc đã hạ mình xuống để sống giữa chúng ta (Gi. 1:14), cảm thông với chúng ta. Vì chúng ta mà Ngài “vốn có hình của Đức Chúa Trời… đã từ bỏ chính mình mang lấy hình đầy tớ” (Phi. 2:6–7). Để cảm nhận điều chúng ta cảm nhận và khóc khi chúng ta khóc, Ngài chết trên cây thập tự, hy sinh mạng sống mình để cứu chúng ta.
Đấng Cứu Chuộc quan tâm đến tất cả tranh chiến của chúng ta. Nếu có ai “ném đá” vào cuộc sống của chúng ta, Ngài an ủi chúng ta. Nếu cuộc sống mang đến những thất vọng, thì Ngài đi cùng chúng ta qua những thất vọng. “Mặc dù Đức Giê-hô-va là cao cả, Ngài cũng đoái thương những người thấp hèn; Nhưng từ xa, Ngài đã nhận biết kẻ kiêu ngạo rồi” (Thi. 138:6). Trong khó khăn, Ngài bảo vệ chúng ta, giơ tay ra chống trả “cơn giận của kẻ thù [chúng ta]” (c.7) và nỗi sợ sâu xa nhất của chúng ta. Cảm tạ Chúa vì tình yêu nhân từ của Ngài.
Chú Giải
Trong Thi Thiên 138:4-5, Đa-vít kêu gọi các vua trên đất ngợi khen Đức Chúa Trời. Những câu còn lại giải thích lý do ông đưa ra lời kêu gọi này: Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương và thành tín sẽ đáp lời những ai kêu cầu Ngài (c.1-3); Ngài đầy lòng nhân từ và thương xót với “những người thấp hèn”; Ngài giải cứu những người bị áp bức (c.6-8).
Lời kêu gọi các vua trên đất của Đa-vít trong câu 4-5 có thể được xem là lời kêu gọi đầy hy vọng. Trong thời Cựu Ước, các vua (ngoài Y-sơ-ra-ên) không thờ phượng Đức Chúa Trời. Họ thường nổi loạn và chống lại Ngài (xem Thi Thiên 2 và 48). Tuy nhiên, trong Khải Huyền, niềm hy vọng của Đa-vít được ứng nghiệm khi mọi vua trên đất đem theo vinh quang của họ vào Giê-ru-sa-lem Mới (Khải Huyền 21:24).