Trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ, hình phạt cho việc đào ngũ là tử hình. Nhưng quân đội của liên bang miền Bắc hiếm khi tử hình những người đào ngũ vì tổng tư lệnh của họ – Abraham Lincoln, đã ân xá gần hết. Điều này khiến Edwin Stanton, Bộ trưởng Chiến tranh tức giận vì ông tin rằng sự khoan dung của Linconln chỉ vẽ đường cho những người đào ngũ tiếp theo mà thôi. Nhưng Lincoln cảm thông với những người lính đã đánh mất can đảm và với những người đã để nỗi sợ hãi lấn át trước sức nóng của chiến trường. Và sự cảm thông đó đã khiến những người lính rất yêu mến ông. Họ yêu quý “Cha già Abraham” của mình và tình cảm đó khiến những người lính càng muốn phục vụ Lincoln hơn.
Khi Phao-lô kêu gọi Ti-mô-thê cùng ông “chịu khổ như một người lính dũng cảm của Đấng Christ Jêsus” (II Tim. 2:3), ông đang kêu gọi Ti-mô-thê bước vào một công việc khó khăn. Một người lính phải hoàn toàn tận tụy, siêng năng và quên mình. Người đó phải phục vụ vị chỉ huy trưởng, là Chúa Jêsus, cách hết lòng. Nhưng trên thực tế, đôi khi chúng ta cũng thất bại trong việc trở nên những người lính giỏi của Chúa. Không phải lúc nào chúng ta cũng trung tín phục vụ Ngài. Do đó câu mở đầu của Phao-lô rất quan trọng: “hãy nhờ ân điển trong Đấng Christ Jêsus mà làm cho mình mạnh mẽ” (c.1). Đấng Cứu Chuộc của chúng ta đầy ân điển. Ngài cảm thông với những yếu đuối của chúng ta và tha thứ cho những thất bại của chúng ta (Hê. 4:15). Và cũng như những người lính của liên bang miền Bắc được khích lệ bởi lòng trắc ẩn của Lincoln, các tín hữu cũng được mạnh mẽ bởi ân điển của Chúa Jêsus. Chúng ta muốn hầu việc Ngài càng hơn vì biết Ngài yêu chúng ta.
Chú Giải
Hình ảnh người lính được sử dụng trong sự giảng dạy của người Hy Lạp cổ đại (ví dụ: Plato và Epictetus) vì những lý do tương tự như Phao-lô sử dụng hình ảnh này trong II Ti-mô-thê 2: người lính luôn tận tụy và sẵn lòng chịu khổ để đạt được mục tiêu. Phao-lô cũng sử dụng hình ảnh này trong I Cô-rinh-tô 9:7 và sử dụng những ẩn dụ về quân sự trong II Cô-rinh-tô 10:3-4, Ê-phê-sô 6:10-17 và I Ti-mô-thê 1:18. Nhưng những hình ảnh và ẩn dụ về quân sự đó không nhằm truyền tải ý nghĩa theo nghĩa đen – mặc dù đáng buồn là điều đó đã xảy qua các cuộc thập tự chinh và thánh chiến. Chúng ta không thể đổ lỗi cho Phao-lô khi bóp méo ý nghĩa của hình ảnh đó. Trở thành “một người lính dũng cảm của Đấng Christ Jêsus” (II Ti-mô-thê 2:3) có nghĩa là Ti-mô-thê phải phục vụ Chúa Jêsus với thái độ tương tự như một người lính phục tùng mạng lệnh của chỉ huy – mạng lệnh của Chúa Jêsus là chúng ta phải yêu kẻ thù nghịch mình (Ma-thi-ơ 5:44).