Theo truyền thuyết, nhạc trưởng người Anh, Ngài Thomas Beecham từng nhìn thấy một người phụ nữ trông quen thuộc ở tiền sảnh khách sạn. Tin rằng mình biết bà nhưng không thể nhớ tên, ông dừng lại để nói chuyện với bà. Khi hai người trò chuyện, ông mơ hồ nhớ rằng bà có một người anh trai. Hy vọng có manh mối, ông hỏi anh trai bà khỏe không và liệu ông ấy có còn làm công việc cũ hay không. Bà nói: “Ồ, anh ấy rất khỏe, và vẫn còn làm vua.”
Việc nhầm người có thể khiến chúng ta xấu hổ, như đối với Ngài Beecham. Nhưng có những lúc, việc đó còn nghiêm trọng hơn, như đối với Phi-líp – môn đồ của Chúa Jêsus. Tất nhiên, môn đồ này biết Chúa Jêsus, nhưng ông chưa hiểu hết Ngài là ai. Ông muốn Chúa Jêsus “chỉ Cha cho [họ]” và Chúa Jêsus đáp: “Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha” (Gi. 14:8–9). Là Con Một của Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus bày tỏ Cha một cách hoàn hảo đến nỗi ai biết Ngài chính là biết Cha (c.10–11).
Nếu chúng ta thắc mắc về phẩm tánh hay mối quan tâm của Đức Chúa Trời đối với người khác, chúng ta chỉ cần nhìn vào Chúa Jêsus. Phẩm tánh của Chúa Jêsus, sự nhân từ, thương xót, yêu thương của Ngài bày tỏ phẩm tánh của Đức Chúa Trời. Và mặc dù Đức Chúa Trời thật diệu kỳ và vĩ đại vượt quá nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ của chúng ta, nhưng chúng ta có một món quà lớn lao là Chúa Jêsus mà qua đó Đức Chúa Trời bày tỏ về chính Ngài.
Chú Giải
Lời đáp của Chúa Jêsus khi Phi-líp xin Ngài “chỉ Cha cho chúng con” (Giăng 14:8) dường như lặp lại lời cầu xin của Môi-se trong Xuất Ê-díp-tô Ký 33:18 (“Xin cho con được chiêm ngưỡng vinh quang của Ngài!”). Đáp lại lời cầu xin của Môi-se, Đức Chúa Trời hứa “sẽ thể hiện sự toàn hảo của [Ngài]” trước mặt Môi-se, nhưng Môi-se không được phép nhìn thấy mặt Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19). Câu trả lời của Chúa Jêsus dành cho Phi-líp trong Giăng 14:9: “Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha” cho thấy rõ rằng Chúa Jêsus chính là cuộc gặp gỡ trọn vẹn nhất có thể đối với vinh quang của Đức Chúa Trời. Âm vang lời cầu xin của Môi-se cũng có thể được nghe thấy trong Giăng 1:14, mô tả về sự làm chứng trong Đấng Christ “vinh quang của Con Một đến từ nơi Cha”. Giăng giải thích: “Chưa ai từng thấy Đức Chúa Trời, chỉ Con Một ở trong lòng Cha là Đấng đã bày tỏ Cha cho chúng ta biết” (c.18).