Theo truyền thuyết Trung Quốc, khi Tái Ông mất một con ngựa quý, hàng xóm đã đến chia buồn trước mất mát của ông. Nhưng Tái Ông vẫn bình thản nói: “Biết đâu đó lại là điều tốt cho tôi?” Ngạc nhiên thay, con ngựa đi lạc trở về cùng một con ngựa khác. Khi hàng xóm chúc mừng, Tái Ông nói: “Biết đâu đó lại là tai họa cho tôi?” Đúng y vậy, con trai ông đã bị gãy chân khi cưỡi con ngựa mới. Đây dường như là điều không may, cho đến khi quân đội đến chiêu mộ tất cả trai tráng ra trận. Vì con trai ông bị thương nên không phải đi, điều này cuối cùng đã cứu anh ta khỏi cái chết.
Đây là câu chuyện đằng sau câu tục ngữ Trung Quốc dạy rằng trong cái rủi có cái may và ngược lại. Câu tục ngữ cổ xưa này có sự tương đồng với Truyền Đạo 6:12, ở đây tác giả nói: “Ai biết được điều gì là tốt cho con người?” Thật vậy, không ai trong chúng ta biết được tương lai sẽ ra sao. Sự tai họa có thể có ích lợi tích cực và sự thịnh vượng có thể có tác động xấu.
Mỗi ngày đều đem đến những cơ hội mới, niềm vui mới, tranh chiến mới và cả đau khổ mới. Là con cái yêu dấu của Chúa, chúng ta có thể yên nghỉ trong quyền tể trị của Ngài và tin cậy Ngài trong những ngày thịnh vượng cũng như tai họa. Chúa “cho cả hai ngày ấy xảy ra” (7:14). Ngài ở bên chúng ta trong tất cả những biến cố của cuộc đời và hứa luôn chăm sóc chúng ta trong tình yêu của Ngài.
Chú Giải
Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay có thể khiến chúng ta kết luận rằng tác giả của sách Truyền Đạo, “người truyền đạo” (1:1) theo thuyết định mệnh. Những suy nghĩ ảm đạm dường như chi phối sách của ông: Cuộc sống là “hư không” và những ngày của chúng ta trôi qua như “chiếc bóng” (6:12); điều tốt đẹp và tồi tệ xảy ra (7:14). Nhưng một số học giả Kinh Thánh đưa ra góc nhìn khác bằng cách hướng chúng ta đến lời kêu gọi của tác giả để “suy ngẫm về công việc của Đức Chúa Trời” (7:13) – nhắc nhở chúng ta cẩn thận nhìn xem cách Ngài đã và đang hành động trong thế giới này. “Ai có thể làm cho thẳng được vật mà Ngài đã bẻ cong?” (c.13). Ai có thể giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của chúng ta? Không có ai ngoài Đức Chúa Trời. Khi xem xét bản tính và hành động của Ngài, chúng ta thấy rằng Chúa khiến “mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:28). Khi tin cậy nơi sự tốt lành của Chúa, chúng ta có thể vui vẻ (mừng rỡ) “trong ngày thịnh vượng”. Và “trong ngày tai họa”, chúng ta có thể nhớ rằng Đức Chúa Trời cho phép ngày ấy xảy ra (Truyền Đạo 7:14).