Cô đặt hộp bánh nướng nhỏ lên băng chuyền, đẩy nó về phía người thu ngân. Tiếp theo là thiệp mừng sinh nhật và những gói bánh đủ loại. Những lọn tóc rơi ra khỏi mái tóc được cột lên của cô, phủ lấy vầng trán nhợt nhạt. Đứa con nhỏ của cô la hét để được chú ý. Người thu ngân báo tổng số tiền và gương mặt của người mẹ buồn bã. “Ồ, tôi nghĩ là mình phải trả lại một vài món rồi. Nhưng những thứ này là dành cho bữa tiệc của con bé”, cô thở dài, tiếc nuối đưa mắt nhìn đứa con.
Đứng xếp hàng phía sau, một vị khách đã nhận thấy sự đau khổ của người mẹ này. Khung cảnh này tương tự lời Chúa Jêsus nói về Ma-ri người Bê-tha-ni: “Người đã làm điều mình có thể làm” (Mác 14:8). Sau khi xức dầu cho Chúa Jêsus bằng chai dầu cam tòng đắt tiền trước sự chết và chịu chôn của Ngài, Ma-ri đã bị các môn đồ chế nhạo. Chúa Jêsus đã khiển trách các môn đồ bằng việc khen ngợi những gì Ma-ri làm. Ngài không nói “Người đã làm mọi điều mình có thể”, nhưng mà là “Người đã làm điều mình có thể”. Ngài không nói về cái giá đắt đỏ của chai dầu thơm. Sự tận tâm trong tình yêu của Ma-ri được thể hiện qua hành động đó mới quan trọng. Mối liên hệ với Chúa Jêsus dẫn đến sự đáp ứng.
Ngay lúc đó, trước khi người mẹ kịp từ chối, thì vị khách phía sau đã nhón tới trước và đưa thẻ tín dụng của mình vào máy quẹt thẻ, chi trả cho hóa đơn đó. Dù không phải là số tiền lớn nhưng cô đã có thêm một khoản cho tháng đó. Đối với người mẹ ấy, nó là tất cả. Một cử chỉ xuất phát từ tình yêu thương đã được bày tỏ trong lúc cô cần đến.
Chú Giải
Dầu cam tùng nguyên chất (Mác 14:3) là loại dầu thơm từ một loại rễ cây được trồng trên dãy núi Hi-ma-lay-a. Điều này giải thích cho sự quý giá của nó – “hơn ba trăm đơ-ni-ê” (c.5) hoặc “hơn một năm tiền công”. Một đơ-ni-ê là tiền lương cả ngày của người lao động.
Vì mùi hương của loại dầu này thường được liên tưởng đến hình ảnh cô dâu trong ngày cưới (Nhã Ca 1:12; 4:13-14), nên một số học giả cho rằng Ma-ri đã dâng tài sản quý giá nhất của bà – là của hồi môn – cho Chúa Jêsus. Việc Ma-ri xức cho Chúa Jêsus loại dầu cam tùng đắt tiền này rất đúng thời điểm và cần thiết. Khi Chúa Jêsus chết, thi thể Ngài được tẩm liệm vội vàng để chôn cất vì phải tuân giữ ngày Sa-bát (Mác 15:42-46). Một nhóm phụ nữ đã lên kế hoạch đến mộ để xức xác cho Chúa sau ngày Sa-bát (16:11), nhưng lúc đó Chúa Jêsus đã sống lại. Nhưng sáu ngày trước đó (Giăng 12:1), Ma-ri đã xức dầu thơm cho Chúa Jêsus “để chuẩn bị cho việc chôn cất” (Mác 14:8).