Tôi quỳ gối xuống sàn nhà và tuôn trào nước mắt. Tôi khóc: “Chúa ơi, sao Ngài không quan tâm đến con?” Đó là khoảng thời gian đại dịch COVID-19 năm 2020, tôi đã thất nghiệp gần một tháng và đơn xin trợ cấp thất nghiệp của tôi lại gặp trục trặc. Tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào và chi phiếu kích cầu mà chính phủ Hoa Kỳ hứa vẫn chưa đến. Trong sâu thẳm, tôi tin rằng Chúa sẽ giải quyết mọi việc. Tôi tin rằng Ngài thực sự yêu tôi và sẽ chăm sóc tôi, nhưng trong giây phút đó, tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi.
Sách Ca Thương nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta có thể than khóc. Quyển sách này dường như được viết trong khoảng thời gian người Ba-by-lôn hủy phá Giê-ru-sa-lem năm 587 TCN hoặc không lâu sau đó. Sách Ca Thương mô tả nỗi đau đớn (3:1, 19), sự áp bức (1:18) và nạn đói (2:20, 4:10) mà dân sự phải đối diện. Tuy nhiên, ở phần giữa sách, tác giả nhớ lại lý do ông có thể hy vọng: “Nhờ lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va mà chúng ta không bị tiêu diệt, lòng thương xót của Ngài không bao giờ dứt. Mỗi buổi sáng, lòng thương xót của Chúa tươi mới luôn, sự thành tín Ngài lớn biết bao” (3:22-23). Bất chấp sự tàn phá, tác giả vẫn nhớ rằng Đức Chúa Trời luôn thành tín.
Đôi khi, dường như không thể tin rằng “Đức Giê-hô-va nhân từ với những ai trông đợi Ngài, với linh hồn nào tìm kiếm Ngài” (3:25), đặc biệt khi chúng ta không nhìn thấy kết cuộc của sự đau khổ. Nhưng chúng ta có thể khóc với Chúa, tin rằng Ngài lắng nghe và Ngài sẽ thành tín để giúp chúng ta vượt qua.
Chú Giải
Khi Giê-rê-mi đề cập đến “ngải cứu và mật đắng” (Ca Thương 3:19), thì ‘ngải cứu’ là một loại thực vật có vị đắng, trong khi ‘mật đắng’ là loại cây có độc gây đau đớn nếu ăn phải. Hai từ này là ẩn dụ nói về sự đau khổ cùng cực, trong trường hợp này là sự phán xét của Đức Chúa Trời (Giê-rê-mi 9:15). Chính bởi niềm hy vọng (Ca Thương 3:21) đã đem đến cho tiên tri Giê-rê-mi sức mạnh để chịu đựng. Dù ngày nay, từ ‘hy vọng’ thường đồng nghĩa với cảm xúc tích cực, nhưng trong Cựu Ước, cả hai từ Hê-bơ-rơ được dịch là ‘hy vọng’ (yakha và qavah) đều nói đến việc chờ đợi. Từ ‘yakhal’ được sử dụng trong Ca Thương 3:21 và cũng là từ được dịch là “để lòng trông cậy” trong câu 24 (BTT). Tuy nhiên, thái độ hy vọng – chờ đợi với sự trông mong – không dựa trên góc nhìn tích cực về hoàn cảnh hiện tại nhưng dựa trên bản tính và sự thành tín của Đức Chúa Trời, rằng Ngài sẽ đem đến sự phục hồi trong tương lai (đọc Thi Thiên 39:7).