Cuthbert là người được yêu mến ở miền bắc nước Anh. Chịu trách nhiệm truyền giáo cho phần lớn khu vực này vào thế kỷ thứ bảy, Cuthbert đã cố vấn cho các quốc vương và ông cũng ảnh hưởng đến các vấn đề quốc vụ. Sau khi ông qua đời, thành phố Durham được xây dựng để vinh danh ông. Nhưng di sản của Cuthbert còn tuyệt vời hơn những điều này.
Sau khi một trận dịch hạch tàn phá khu vực, Cuthbert từng đi thăm các thị trấn bị ảnh hưởng để an ủi người dân. Khi chuẩn bị rời khỏi một ngôi làng, ông kiểm tra xem còn ai mà ông chưa cầu nguyện không. Có một người phụ nữ đang ôm đứa trẻ. Cô ấy đã mất một đứa con trai, và đứa con mà cô ấy ôm cũng sắp chết. Cuthbert ôm cậu bé đang sốt vào lòng, cầu nguyện cho cậu và hôn lên trán cậu. Ông nói với cô: “Đừng sợ, vì không ai trong gia đình cô sẽ chết nữa”. Người ta nói rằng cậu bé thật sự đã sống sót.
Có lần Chúa Jêsus ôm một cậu bé vào lòng để dạy về sự cao trọng, rằng: “Người nào vì danh Ta tiếp một đứa trẻ như thế nầy tức là tiếp Ta” (Mác 9:37). Để “tiếp” ai đó trong văn hóa Do Thái có nghĩa là phục vụ họ, như cách người chủ nhà chào đón khách. Vì trẻ em phải phục vụ người lớn và không phải là đối tượng được phục vụ, nên ý tưởng này chắc hẳn gây sốc. Quan điểm của Chúa Jêsus là gì? Sự cao trọng thật nằm ở việc phục vụ những người nhỏ bé và thấp kém nhất (c.35).
Người cố vấn cho các quốc vương, người có ảnh hưởng trong lịch sử, một thành phố được xây dựng để vinh danh ông. Nhưng có lẽ thiên đàng ghi lại di sản của Cuthbert là: Chú ý đến một người mẹ; một nụ hôn trên trán đứa bé; một đời sống khiêm tốn phản ánh Chúa của mình.
Chú Giải
Bối cảnh luôn là yếu tố quan trọng khi xem xét bất kỳ phân đoạn Kinh Thánh nào, và phân đoạn Kinh Thánh hôm nay được đặt trong một bối cảnh đau buồn. Trong Mác 9:30-32, Chúa Jêsus đã đưa ra lời công bố lần thứ hai trong ba lần (Mác 8:31; 9:31; 10:33) rằng sứ mạng tối thượng của Ngài là lên thập tự giá, chịu những sự kinh khiếp và sỉ nhục của việc bị đóng đinh. Trong Mác 8:32, Phi-e-rơ đã phản ứng bằng sự phẫn nộ khi nghe lời công bố đầu tiên của Chúa Jêsus về thập tự giá – ông thuyết phục rằng Chúa Jêsus sẽ không bao giờ phải chịu đau khổ như vậy. Trong Mác 9, sau khi nghe Chúa Jêsus công bố lần thứ hai, các môn đồ đã tranh luận với nhau xem ai trong số họ sẽ là người cao trọng hơn hết – có vẻ đây là chủ đề thường xuất hiện trong các cuộc trò chuyện của họ. Rõ ràng, họ không hiểu được thực trạng đau đớn về sự hy sinh sắp tới của Chúa Jêsus thay cho họ và họ chỉ có thể nghĩ đến những lợi ích mà họ có thể nhận được trong vương quốc hầu đến. Cuộc thảo luận của các môn đồ là lời nhắc nhở rằng chúng ta cũng thường có cái nhìn thiển cận và không nhận thức được những mục đích lớn lao hơn của Đức Chúa Trời.