Khi tôi lái xe về nhà sau bữa trưa với người bạn thân, tôi đã lớn tiếng cảm ơn Chúa về cô ấy. Cô ấy biết tôi và yêu quý tôi dù có những điều tôi không thích ở bản thân. Cô ấy là một trong số ít người chấp nhận con người tôi – những điều kỳ quặc, những thói quen và lỗi lầm của tôi. Tuy nhiên, vẫn có những chuyện trong cuộc đời tôi mà tôi không muốn chia sẻ, ngay cả với cô ấy và những người tôi yêu mến – đó là những lúc yếu đuối, hay phán xét, hoặc không tử tế hay thiếu yêu thương.
Nhưng Chúa biết mọi điều về tôi. Ngài là Đấng mà tôi có thể thoải mái trò chuyện ngay cả khi tôi e ngại nói với người khác.
Những từ ngữ quen thuộc trong Thi Thiên 139 mô tả sự mật thiết mà chúng ta được tận hưởng với vị Vua Tối Cao của mình. Ngài biết rõ chúng ta cách trọn vẹn! (c.1). Chúa “quen biết các đường lối [chúng ta]” (c.3), Ngài mời gọi chúng ta đến với Ngài khi chúng ta hoang mang, lo lắng và tranh chiến với cám dỗ. Khi chúng ta sẵn lòng đầu phục Chúa hoàn toàn, Ngài sẽ phục hồi và viết lại câu chuyện của cuộc đời chúng ta – những điều khiến chúng ta buồn bã vì đã lạc lối xa cách Ngài.
Chúa biết rõ chúng ta hơn bất cứ ai khác, nhưng Ngài vẫn yêu chúng ta! Khi chúng ta đầu phục Ngài mỗi ngày và tìm kiếm Ngài để biết Ngài trọn vẹn hơn, thì Ngài sẽ thay đổi câu chuyện của chúng ta vì sự vinh hiển của Ngài. Ngài là Đấng đang viết tiếp câu chuyện cuộc đời bạn.
Chú Giải
Thi Thiên 139 bao gồm ba kiểu thi thiên khác nhau: ngợi khen, than khóc và khôn ngoan. Tuy nhiên, chủ đề chính xuyên suốt được bày tỏ qua những câu mở đầu và kết thúc của thi thiên này: Ngài đã dò xét con và biết rõ con (c.1, 23). Từ “dò xét” ở đây là một thuật ngữ có thể được sử dụng trong trường hợp pháp lý khi ai đó được thẩm vấn; nói cách khác, điều này chỉ về sự tra xét thường xuyên của Đức Chúa Trời. Từ “biết” ở đây có nghĩa là biết ai đó cách riêng tư và mật thiết. Đây là từ đôi khi được dùng để chỉ về mối quan hệ tình dục. Việc từ này được sử dụng ở đây thể hiện rằng Đức Chúa Trời biết rõ mọi điều sâu thẳm trong chúng ta, điều này được chỉ ra bởi tác giả thi thiên, rằng Đức Chúa Trời đã dệt nên chúng ta (c.13). Tuy nhiên, khi tác giả thi thiên mời Chúa tra xét tấm lòng và “các tư tưởng” của ông (c.23), ông đã khẩn cầu Chúa biết rõ ông ở một mức độ sâu sắc hơn nữa.