Khách sạn Dan tại Jerusalem được biết đến với tên gọi “Khách sạn Corona” vào năm 2020. Chính phủ đã dùng khách sạn này cho những bệnh nhân COVID-19 đang hồi phục và đây là nơi hiếm hoi mà niềm vui và sự đoàn kết luôn hiện diện giữa lúc khó khăn. Vì những người ở đây đã nhiễm bệnh, nên họ được tự do ca hát, nhảy múa và cười đùa cùng nhau. Và họ đã làm như vậy! Tại đất nước mà căng thẳng giữa các nhóm chính trị và tôn giáo cứ leo thang, thì cuộc khủng hoảng chung đã tạo ra không gian để mọi người học cách nhìn nhau trước hết như là con người – và thậm chí còn trở thành bạn bè.

Cũng tự nhiên, thậm chí là bình thường, khi chúng ta bị thu hút đến với những người giống mình, những người mà chúng ta nghĩ rằng họ có cùng kinh nghiệm và giá trị sống như chúng ta. Nhưng như sứ đồ Phao-lô thường nhấn mạnh, Phúc Âm là thách thức với bất kỳ rào cản nào giữa những con người mà chúng ta xem là “bình thường” (II Cô. 5:15). Qua lăng kính của Phúc Âm, chúng ta thấy một bức tranh lớn hơn so với những khác biệt – chúng ta đều tan vỡ như nhau, đều mong mỏi và cần được kinh nghiệm sự chữa lành trong tình yêu của Chúa.

Nếu tin rằng “một người chết vì mọi người”, thì chúng ta không còn bằng lòng với những giả định về người khác. Thay vào đó, “tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng ta” (c.14) để chia sẻ tình yêu và sứ mạng của Ngài với những người mà Đức Chúa Trời yêu họ hơn những gì chúng ta tưởng tượng.