Thứ Sáu là ngày họp chợ của một thị trấn nhỏ ở Ghana quê hương tôi. Sau ngần ấy năm, tôi vẫn còn nhớ một người bán hàng nọ. Những ngón tay và ngón chân của bà bị bệnh phong ăn mòn, bà thu mình trên tấm chiếu và múc thức ăn của mình bằng trái bầu rỗng. Một số người tránh né bà. Nhưng mẹ tôi thường đến mua hàng của bà. Tôi chỉ gặp bà vào những ngày họp chợ. Sau đó bà sẽ biến mất khỏi thị trấn.
Trong thời dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa, những căn bệnh như bệnh phong đồng nghĩa với việc sống “bên ngoài trại quân”. Đó là một sự tồn tại cô độc. Luật pháp Y-sơ-ra-ên nói những người như vậy phải “sống một mình” (Lê. 13:46). Người ta cũng thiêu xác của những con bò đực làm sinh tế ở bên ngoài trại quân (4:12). Bạn sẽ không muốn ở bên ngoài trại quân.
Thực tế khắc nghiệt này khiến cho câu Kinh Thánh nói về Chúa Jêsus trong Hê-bơ-rơ 13 trở nên sống động: “Vậy nên chúng ta hãy đi với Ngài ra bên ngoài trại quân để đồng chịu sỉ nhục với Ngài” (c.13). Chúa Jêsus đã bị đóng đinh bên ngoài cổng thành Giê-ru-sa-lem, đây là một yếu tố quan trọng khi chúng ta nghiên cứu về hệ thống tế lễ của người Hê-bơ-rơ.
Chúng ta muốn được nổi tiếng, được tôn trọng, được sống cuộc đời nhàn hạ. Nhưng Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta hãy “ra ngoài trại quân” – nơi chịu sỉ nhục. Đó là nơi chúng ta sẽ gặp người bán hàng bị bệnh phong. Đó là nơi chúng ta sẽ gặp những con người mà thế giới này khước từ. Đó là nơi chúng ta sẽ gặp được Chúa Jêsus.
Chú Giải
Đối tượng của bức thư được gửi cho người Hê-bơ-rơ trong Tân Ước bao gồm cộng đồng hải ngoại – những người Do Thái theo Chúa Jêsus bị tản lạc do cơn bách hại. Đặc điểm của đối tượng có thể giải thích cho việc nhấn mạnh về lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên và hệ thống tế lễ của người Giu-đa, nhằm nói đến công tác của Chúa Jêsus. Nội dung của bức thư rõ ràng hướng đến Chúa Jêsus, tôn Ngài lên cao hơn các thiên sứ, thầy tế lễ và Môi-se, đồng thời khẳng định rằng của lễ chuộc tội của Đấng Christ ưu việt hơn hệ thống tế lễ trong đền thờ của dân Y-sơ-ra-ên. Thư Hê-bơ-rơ cũng còn nhiều bí ẩn, phần lớn là do bức thư này ẩn danh. Quyền tác giả của thư Hê-bơ-rơ từ lâu đã trở thành chủ đề nghiên cứu của các học giả lẫn những người sùng kính, tốn nhiều giấy mực để tranh cãi về tác giả thực sự. Những người có khả năng là tác giả được cho là Phao-lô, A-bô-lô, Ba-na-ba, Lu-ca, Bê-rít-sin và nhiều người khác.