Mỗi tối thứ sáu, kênh tin tức quốc gia mà gia đình chúng tôi xem đều kết thúc phần phát sóng bằng một câu chuyện khích lệ. Trái ngược với phần bản tin, điều này luôn đem đến làn gió tươi mát. Gần đây, một câu chuyện “đẹp” của ngày thứ sáu nói về một phóng viên nhiễm COVID-19 đã hoàn toàn hồi phục và quyết định hiến tặng huyết tương của mình để giúp người khác trong cuộc chiến chống lại vi-rút. Khi đó, người ta vẫn còn chưa chắc chắn về tính hiệu quả của các kháng thể. Nhưng khi nhiều người trong chúng ta cảm thấy bất lực và thậm chí là không thoải mái khi phải hiến tặng huyết tương (qua đường kim), thì cô phóng viên ấy đã cảm thấy “đó là mức giá nhỏ để trả cho lợi ích đầy tiềm năng”.
Sau buổi phát sóng ngày thứ sáu đó, tôi và gia đình mình cảm thấy được khích lệ – có thể nói là đầy hy vọng. Đó là sức mạnh của điều gọi là “hễ điều gì” mà Phao-lô miêu tả trong Phi-líp 4: “hễ điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương” (c.8). Liệu Phao-lô đã nghĩ đến việc hiến tặng huyết tương chăng? Chắc chắn là không. Nhưng phải chăng ông đã nghĩ đến những hành động hy sinh vì ai đó đang gặp khó khăn – nói cách khác, là hành động giống Đấng Christ? Tôi chắc chắn câu trả lời là có.
Nhưng tin tức đầy hy vọng đó sẽ không đem lại hiệu quả tối ưu nếu không được lan truyền rộng rãi. Chúng ta có đặc ân là chứng nhân cho sự tốt lành của Chúa để nhìn xem và lắng nghe những điều tốt đẹp xung quanh mình và chia sẻ điều đó với người khác để họ cũng được khích lệ.
Chú Giải
Niềm vui là chủ đề lặp đi lặp lại trong thư Phi-líp (1:4, 25; 2:2, 29; 4:1). Phao-lô nói: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn, tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng đi!” (4:4). Ông vui mừng cầu nguyện cho những anh chị em thân yêu, vui mừng vì họ tăng trưởng trong đức tin, đứng vững và hiệp một trong Chúa Jêsus ở giữa cuộc bách hại (1:27-2:2), cũng như sự cộng tác trung tín của họ trong công tác rao truyền Phúc m (1:5, 18). Khi kết thúc bức thư ngắn của mình, Phao-lô hiểu được sự quan tâm lo lắng của họ dành cho ông (4:10, 14-18), ông mô tả họ là “niềm vui và mão triều thiên” của ông (c.1). Phao-lô khích lệ họ vui mừng ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn và bất lợi, vì niềm vui trong Đấng Christ vượt trổi hơn hoàn cảnh. (Phao-lô bị giam trong ngục khi ông viết thư này, 1:14). Ông quả quyết rằng ngay cả khi bị xử tử vì rao giảng Phúc Âm, ông vẫn sẽ vui mừng và ông khuyên các tín hữu Phi-líp cũng nên vui mừng như vậy (2:17-18).