Khi bạn cắm điện để sử dụng máy nướng bánh mì thì bạn đang hưởng lợi từ kết quả của một mối thù cay đắng từ cuối thế kỷ XIX. Khi đó, hai nhà phát minh Thomas Edison và Nikola Tesla đã tranh nhau xem đâu là loại điện tốt nhất để phát triển: dòng điện một chiều (DC), giống như dòng điện đi từ pin đến đèn pin; hoặc dòng điện xoay chiều (AC) mà chúng ta nhận được từ ổ cắm điện.
Cuối cùng, các ý tưởng điện xoay chiều của Tesla đã được thông qua và được sử dụng để cung cấp điện cho gia đình, doanh nghiệp và cộng đồng trên khắp thế giới. Dòng điện xoay chiều hiệu quả hơn nhiều trong việc tải điện qua những khoảng cách xa và được chứng minh là sự lựa chọn khôn ngoan hơn.
Đôi lúc, chúng ta cần sự khôn ngoan khi đối diện với những mối quan tâm trong vòng các tín hữu (đọc Rô. 14:1–12). Sứ đồ Phao-lô kêu gọi chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để hiểu rõ những vấn đề như vậy. Ông nói: “Nếu anh em nghĩ điều gì khác thì Đức Chúa Trời cũng sẽ bày tỏ cho anh em” (Phi. 3:15). Ở những câu tiếp theo, chúng ta thấy hậu quả của hai người đã để sự khác biệt chia rẽ họ – một sự mâu thuẫn đã khiến Phao-lô buồn lòng: “Tôi khuyên Ê-vô-đi và khuyên Sin-ty-cơ nên hiệp ý trong Chúa” (4:2).
Bất cứ khi nào sự bất đồng gây chia rẽ, nguyện chúng ta tìm kiếm ân điển và sự khôn ngoan của Chúa trong Kinh Thánh, lời khuyên của những tín hữu trưởng thành và quyền năng của sự cầu nguyện. Chúng ta hãy cố gắng để “hiệp ý” trong Chúa (c.2).
Chú Giải
Khi Phao-lô nói “tôi cứ làm một điều” (Phi-líp 3:14), thì từ “một điều” đề cập đến một việc duy nhất hoặc liên tục được thúc đẩy bởi một mục đích duy nhất. Giống như vận động viên phải tập trung hết sức để đạt được thành công (c.14), những người tin Chúa Jêsus được kêu gọi để tập chú và hành động vì một mục đích duy nhất. Mục đích này được bày tỏ trong câu 10: “được biết Ngài [và] quyền năng phục sinh của Ngài, được chia sẻ sự thương khó của Ngài, và trở nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài”.
Do đó, chữ “biết” Đấng Christ ở đây không có nghĩa là sự hiểu biết về kiến thức nhưng là mối liên hệ mật thiết, sâu sắc qua kinh nghiệm (c.10) trong Chúa Jêsus, thông qua sự hiệp nhất với Ngài bởi Đức Thánh Linh. Khi chúng ta đến gần với Đấng Christ qua Đức Thánh Linh, chúng ta cũng sẽ kinh nghiệm quyền năng phục sinh của Ngài, cũng như sự phục sinh của thân thể khi Chúa trở lại.