Tang lễ miễn phí cho người sống là dịch vụ do một tổ chức ở Hàn Quốc cung cấp. Kể từ khi khai trương vào năm 2012, hơn 25.000 người – từ thanh thiếu niên đến những người về hưu – đã tham gia dịch vụ “tang lễ cho người sống” với hy vọng cải thiện cuộc sống bằng cách nghĩ đến cái chết. Các quan chức cho biết “tang lễ mô phỏng nhằm mang lại cho người tham gia cảm giác chân thực về sự sống của họ, khơi dậy lòng biết ơn, tìm kiếm sự tha thứ và tái kết nối gia đình và bạn bè”.
Những lời này phản ánh sự khôn ngoan của người thầy viết sách Truyền Đạo. “[Cái chết] là điểm cuối cùng của mọi người, và người sống để tâm suy nghĩ” (Tđ. 7:2). Cái chết nhắc nhở chúng ta về sự ngắn ngủi của cuộc sống và chúng ta chỉ có một khoảng thời gian nhất định để sống và yêu hết mình. Điều đó giúp chúng ta bớt nắm chặt một số món quà tốt đẹp Chúa ban, chẳng hạn như tiền bạc, các mối quan hệ và sự khoái lạc, đồng thời giải phóng chúng ta để tận hưởng những điều đó ngay trong hiện tại khi chúng ta tích trữ “của cải ở trên trời, là nơi không có mối mọt, ten rỉ làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy” (Mat. 6:20).
Khi nhớ rằng cái chết có thể gõ cửa bất cứ lúc nào, có lẽ điều đó sẽ khiến chúng ta không trì hoãn việc thăm viếng cha mẹ, quyết định phục vụ Chúa, hoặc đánh đổi thời gian dành cho con cái để làm việc. Với sự giúp đỡ của Chúa, nguyện chúng ta học cách sống khôn ngoan.
Chú Giải
Các học giả đã tranh cãi rất nhiều về quyền tác giả của sách Truyền Đạo. Câu mở đầu cho biết tác giả là “người truyền đạo” (tiếng Hê-bơ-rơ là Qohelet), nhưng đây là chức danh, chứ không phải một cái tên thực sự. Quan điểm truyền thống cho rằng Sa-lô-môn là tác giả vì những lời tuyên bố được trình bày trong quyển Chú Giải Kiến Thức Kinh Thánh: “Tác giả cho biết mình là ‘con trai của Đa-vít’ (1:1), ‘vua tại Giê-ru-sa-lem’ (1:1), ‘vua Y-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem’ (1:12). Hơn nữa, trong phần tự truyện (1:12-2:26), ông nói rằng mình khôn ngoan hơn ‘tất cả các vua cai trị trước [ông] tại Giê-ru-sa-lem’ (1:16); ông là người xây dựng những công trình vĩ đại (2:4-6); và ông sở hữu vô số nô lệ (2:7), những bầy chiên và bầy gia súc không thể so sánh được (2:7); vô vàn của cải (2:8) và hậu cung đông đảo (2:8). Nói tóm lại, ông tuyên bố rằng mình vĩ đại hơn bất kỳ ai từng sống ở Giê-ru-sa-lem trước ông (2:9)”. Những lời tuyên bố này dường như cung cấp đủ bằng chứng để chứng minh rằng Sa-lô-môn là tác giả của sách Truyền Đạo.