Khi tôi còn là thiếu niên, mẹ tôi đã vẽ một bức tranh trên tường phòng khách. Bức tranh này đã ở đó nhiều năm, vẽ khung cảnh Hy Lạp cổ đại với ngôi đền đổ nát, những cột trắng nằm nghiêng, đài phun nước sụp đổ và bức tượng bị vỡ. Khi nhìn vào kiến trúc Hy Lạp cổ đại từng mang vẻ đẹp tuyệt vời, tôi cố gắng tưởng tượng điều gì đã phá hủy nó. Tôi rất tò mò, đặc biệt là khi bắt đầu nghiên cứu về bi kịch của những nền văn minh vĩ đại và thịnh vượng một thời đã suy tàn và sụp đổ từ bên trong.
Sự suy đồi và hủy hoại của tội lỗi mà chúng ta thấy xung quanh mình ngày nay có thể gây rắc rối. Theo lẽ tự nhiên, chúng ta cố gắng giải thích điều đó theo hướng nhắm vào những con người và quốc gia khước từ Chúa. Nhưng chẳng phải chúng ta cũng nên nhìn vào chính mình sao? Kinh Thánh cảnh báo chúng ta về sự đạo đức giả khi kêu gọi người khác từ bỏ con đường tội lỗi của họ mà không nhìn vào chính tấm lòng mình (Mat. 7:1-5).
Thi Thiên 32 kêu gọi chúng ta xưng nhận tội lỗi mình. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể kinh nghiệm sự tự do khi thoát khỏi tội lỗi và niềm vui của sự ăn năn thật (c.1-5). Và khi vui mừng biết mình được Chúa tha thứ hoàn toàn, chúng ta có thể chia sẻ niềm hy vọng đó với những người cũng đang tranh chiến với tội lỗi.
Chú Giải
Như được đề cập trong Thi Thiên 32, việc xưng nhận tội lỗi sẽ đem đến cho chúng ta sự tự do. Đa-vít giải thích rằng những tội lỗi giấu kín đã ảnh hưởng đến cơ thể của ông: “các xương cốt con hao mòn” (c.3); “sức con tiêu hao” (c.4). Vào thời đó, nhiều người tin rằng sự đau đớn về thể xác, nan đề và bệnh tật luôn là hậu quả của tội lỗi. Mặc dù không phải như vậy, nhưng chúng ta biết rằng tinh thần và cảm xúc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của chúng ta. Thi Thiên này dùng ba từ nói về tội lỗi – vi phạm (không vâng lời), tội lỗi (trật mục tiêu) và gian ác (phẩm chất méo mó) – trái ngược với ba biểu hiện của sự tha thứ – tha, khỏa lấp và không kể. Khi xưng nhận tội lỗi của mình, chúng ta được tha thứ và được giải phóng khỏi gánh nặng cảm xúc vì lương tâm cắn rứt.