Collin cùng vợ là Jordan đi loanh quanh trong cửa hàng mỹ nghệ, họ muốn tìm một bức tranh để treo trong nhà. Collin nghĩ anh đã tìm ra món đồ ưng ý nên gọi vợ đến xem. Phía bên phải tác phẩm gốm sứ đó là chữ ân điển. Nhưng bên trái lại có hai vết nứt dài. Jordan thốt lên: “Ôi, nó bị nứt rồi!” và cô bắt đầu nhìn lên kệ để tìm kiếm một bức khác còn nguyên vẹn. Nhưng rồi Collin nói: “Không. Vậy mới ý nghĩa. Chúng ta bị tan vỡ và rồi ân điển đến”. Họ quyết định mua bức tranh có vết nứt. Khi thanh toán, nhân viên bán hàng thốt lên: “Ôi không, cái này bị vỡ rồi!” Jordan thì thầm: “Vâng, chúng ta cũng vậy”.
Thế nào là một người “tan vỡ”? Có người định nghĩa rằng: Đó là sự nhận thức ngày càng rõ ràng hơn rằng dù có cố gắng đến đâu, chúng ta cũng không thể khiến cuộc sống tốt đẹp hơn mà chỉ làm cho nó tồi tệ hơn. Đó là sự nhận biết rằng chúng ta cần Chúa và sự can thiệp của Ngài trong cuộc đời mình.
Sứ đồ Phao-lô đã nói về sự tan vỡ của chúng ta qua cụm từ “đã chết vì những vi phạm và tội lỗi của mình” (Êph. 2:1). Câu trả lời cho nhu cầu cần được tha thứ và biến đổi của chúng ta nằm ở câu 4 và 5: “Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì yêu chúng ta bằng tình yêu cao cả… Ngài khiến chúng ta cùng sống với Đấng Christ — ấy là nhờ ân điển mà [chúng ta] được cứu.”
Đức Chúa Trời sẵn sàng phục hồi sự tan vỡ của chúng ta bằng ân điển Ngài khi chúng ta thừa nhận sự tan vỡ của mình.
Chú Giải
Bức thư của Phao-lô gửi cho người Ê-phê-sô cho thấy một viễn cảnh tuyệt vời đến khó tả về thời kỳ cuối cùng mà dễ bị bỏ lỡ, dù được ông nhiều lần đề cập đến. Trong khi nhấn mạnh những điều tốt đẹp Chúa đã làm (2:1-6), ông nhắc đến sự bày tỏ ân điển tuyệt vời hơn nhiều sẽ được tiết lộ “cho các đời sắp đến” (c.7). Mục tiêu bao quát của lịch sử là “để đến thời viên mãn, theo kế hoạch, Ngài quy tụ muôn vật lại trong Đấng Christ, cả những vật trên trời và dưới đất” (1:10; xem 20-22). Đó là niềm hy vọng chắc chắn và tuyệt vời mà Phao-lô nhắc đến trong những bức thư khác (Phi-líp 2:10-11; Cô-lô-se 1:20) và cũng là niềm hy vọng mà sứ đồ Giăng đã thấy trước trong sự mặc khải dành cho ông (Khải Huyền 5:13-14).