Trong thời hoàng kim của radio, Fred Allen (1894-1956) đã dùng nghệ thuật bi quan hài hước để đem lại tiếng cười cho thế hệ sống dưới bóng của sự suy thoái kinh tế và một thế giới ngập tràn chiến tranh. Sự hài hước của ông được sinh ra từ chính nỗi đau của bản thân. Mất mẹ từ khi chưa được ba tuổi, sau đó ông phải chia cách với người cha nghiện ngập của mình. Ông từng cứu một cậu bé khỏi dòng xe cộ đông đúc của thành phố New York với câu nói đáng nhớ: “Cháu làm sao thế? Cháu không muốn lớn lên và gặp rắc rối sao?”

Cuộc đời của Gióp đã diễn ra trong chủ nghĩa hiện thực hỗn loạn như thế. Khi những lời nói bày tỏ đức tin ban đầu dần nhường chỗ cho tuyệt vọng, thì những người bạn của ông lại càng nhân nỗi đau của ông lên gấp bội như xát muối vào vết thương. Với những lập luận có vẻ đúng, họ khăng khăng cho rằng nếu Gióp thừa nhận lỗi lầm của mình (4:7-8) và học từ sự sửa trị của Chúa, ông sẽ tìm được sức mạnh để mỉm cười khi đối diện với nan đề (5:22).

Những “người an ủi” Gióp dù có ý tốt nhưng họ đã sai lầm (1:6-12). Họ không thể tưởng tượng ra rằng một ngày nào đó mình sẽ là ví dụ cho câu “Bạn bè mà đối xử với nhau như kẻ thù”. Họ không thể tưởng tượng được sự nhẹ nhõm của Gióp khi cầu nguyện cho họ hoặc vì sao cuối cùng họ lại là người cần lời cầu nguyện (42:7-9). Họ không thể tưởng tượng được mình là hình bóng cho những kẻ buộc tội Đấng đã chịu đau khổ vì bị hiểu lầm đến mức trở thành nguồn vui mừng lớn nhất của chúng ta.