Tại lễ tốt nghiệp năm 2019 của một trường trung học địa phương, có 608 học sinh chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp. Thầy hiệu trưởng bắt đầu bằng cách mời các học sinh đứng lên khi ông đọc tên quốc gia nơi họ sinh ra: Afghanistan, Bolivia, Bosnia… Ông cứ đọc cho đến khi gọi tên sáu mươi quốc gia, tất cả học sinh đều đứng và cổ vũ cùng nhau. Sáu mươi quốc gia; một trường trung học.
Vẻ đẹp của sự hiệp nhất trong đa dạng là hình ảnh có sức tác động mạnh mẽ, đó cũng là điều Chúa mong muốn – mọi người sống cùng nhau trong sự hiệp một.
Chúng ta đọc thấy lời khích lệ sự hiệp một giữa vòng dân sự của Chúa trong Thi Thiên 133 – bài ca đi lên từng bậc – được hát khi mọi người bước vào thành Giê-ru-sa-lem để dự lễ hàng năm. Thi Thiên này nhắc nhở mọi người về lợi ích của việc sống hòa thuận (c.1) dù những khác biệt có thể gây chia rẽ. Bằng hình ảnh sống động, sự hiệp một được mô tả như sương móc (c.3) và dầu – được dùng để xức cho các thầy tế lễ (Xuất. 29:7) – “chảy xuống” đầu, râu và áo của thầy tế lễ (c.2). Tất cả những hình ảnh này cho thấy thực tế rằng khi chúng ta sống với nhau trong tinh thần hiệp một thì các phước lành của Chúa sẽ tuôn tràn cách dư dật đến mức không thể chứa hết được.
Dù những người tin Chúa Jêsus có những khác biệt về dân tộc, quốc tịch hoặc tuổi tác, thì vẫn luôn có sự hiệp một sâu sắc trong Thánh Linh (Êph. 4:3). Khi hiệp một với nhau và trân trọng mối liên hệ chung đó trong sự dẫn dắt của Chúa, chúng ta có thể chấp nhận những khác biệt Chúa ban và ngợi khen Ngài là Đấng đem đến sự hiệp nhất thật sự.
Chú Giải
Dưới thời vua Đa-vít trị vì, chúng ta chứng kiến rất nhiều cuộc xung đột, tuy nhiên chủ đề của Thi Thiên 133, được cho là của Đa-vít viết, lại nói về sự hiệp một. Nhà thần học James Montgomery Boice cho rằng có lẽ nguồn cảm hứng của thi thiên này là lễ lên ngôi của Đa-vít. Dưới sự lãnh đạo của Sau-lơ, quốc gia đã bị chia rẽ và dân sự có lẽ đã đoán trước được việc Đa-vít lên ngôi. Lễ đăng quang đã đánh dấu một khởi đầu mới, tràn đầy niềm hy vọng vào sự hiệp một dưới thời vua mới.
Bài thi thiên đi lên từng bậc này nhắc đến hai vị trí địa lý, cả hai đều là những ngọn núi. Núi Hẹt-môn, với độ cao 2.814m, là đỉnh núi cao nhất ở bờ phía đông của Địa Trung Hải, nằm tận phía bắc xa xôi của núi Si-ôn ở Giê-ru-sa-lem (độ cao 765m). Hình ảnh sương từ đỉnh núi Hẹt-môn phủ đầy tuyết rất ý nghĩa đối với những người hành hương đang đi trên con đường đầy bụi để đến Giê-ru-sa-lem kỷ niệm ba kỳ lễ hàng năm – Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần (Lễ Các Tuần) và Lễ Lều Tạm.