Gạch men trang trí màu trắng xanh thường được thấy trong các hộ gia đình người Hà Lan, ban đầu được làm ở thành phố Delft. Những viên gạch này thường miêu tả những khung cảnh quen thuộc của Hà Lan: danh lam thắng cảnh, cối xay gió ở khắp nơi, và cảnh con người làm việc, vui chơi.
Trong thế kỷ 19, Charles Dickens đã viết về cách những viên gạch này được sử dụng để minh họa Kinh Thánh trong quyển Bài Ca Mừng Giáng Sinh. Ông mô tả cái lò sưởi cũ do một người Hà Lan xây dựng, lát bằng những viên gạch Delft cổ xưa này: “Hình ảnh Ca-in và A-bên, con gái vua Pha-ra-ôn; Nữ hoàng Sê-ba… [và] các sứ đồ đi đánh cá ngoài biển”. Nhiều hộ gia đình đã sử dụng những viên gạch vuông này như một công cụ giảng dạy khi gia đình quây quần bên bếp lửa ấm áp và chia sẻ những câu chuyện trong Kinh Thánh. Họ đã học về bản tính của Chúa – sự công bình, thương xót và nhân từ của Ngài.
Những lẽ thật của Kinh Thánh vẫn luôn thích hợp cho chúng ta ngày nay. Thi Thiên 78 khích lệ chúng ta dạy “những huyền nhiệm từ đời xưa, là những điều chúng ta đã nghe biết, và tổ phụ đã thuật lại cho chúng ta” (c.2-3). Thi Thiên này tiếp tục khuyên chúng ta “thuật lại cho thế hệ tương lai vinh quang của Đức Giê-hô-va cùng quyền năng Ngài và các phép mầu mà Ngài đã làm” và “đến lượt họ, họ sẽ truyền lại cho con cháu mình” (c.4, 6).
Nhờ Chúa giúp đỡ, chúng ta có thể tìm ra những cách sáng tạo và hiệu quả để minh họa lẽ thật trong Kinh Thánh cho mỗi thế hệ khi chúng ta nỗ lực để dâng lên Chúa sự tôn vinh và ngợi khen xứng đáng cho Ngài.
Chú Giải
Những câu mở đầu trong Thi Thiên 78 cho thấy đây là một thi thiên khôn ngoan. Tác giả thi thiên mời gọi mọi người lắng nghe lời dạy dỗ khôn ngoan của ông, được mô tả là điều “huyền nhiệm” (c.2). Tuy nhiên, họ đã “nghe biết” những điều này nhờ sự mặc khải của Đức Chúa Trời và tổ phụ họ đã truyền lại sự mặc khải này cho con cháu.
Toàn bộ thi thiên này thúc giục người nghe trung tín trong việc truyền lại sự khôn ngoan, kể lại câu chuyện của dân Y-sơ-ra-ên (c.5-7) như một “ẩn dụ” (c.2) có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Từng thế hệ đều có trách nhiệm trong việc truyền đạt câu chuyện về sự mặc khải của Đức Chúa Trời và công tác cứu chuộc vĩ đại của Ngài, cũng như sự thất bại của tổ phụ họ trong việc tin cậy và bước theo Chúa cách trung tín (c.8). Thông qua câu chuyện của dân Y-sơ-ra-ên, con dân Chúa sẽ càng thêm khôn ngoan và tin cậy, rồi “đến lượt họ, họ sẽ truyền lại cho con cháu mình” (c.6) để dòng dõi họ cũng “để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời” (c.7).