Sandra hồi tưởng: “Hễ khi nào ông tôi dẫn tôi đi biển, ông đều tháo đồng hồ ra và cất đi. Một ngày nọ tôi đã hỏi ông vì sao. Ông cười và đáp: ‘Bởi vì ông muốn cháu biết rằng thời gian ở bên cháu quan trọng với ông như thế nào. Ông chỉ muốn ở với cháu và để thời gian trôi đi.’”
Tôi đã nghe Sandra chia sẻ hồi ức đó tại tang lễ của ông cô. Đó là một trong những kỷ niệm yêu thích của cô với ông mình. Khi suy ngẫm rằng mình sẽ cảm thấy có giá trị thế nào khi người khác dành thời gian cho mình, tôi nhớ đến lời Kinh Thánh nói về sự chăm sóc đầy yêu thương của Chúa.
Chúa luôn luôn dành thời gian cho chúng ta. Đa-vít cầu nguyện trong Thi Thiên 145 rằng: “Chúa rộng mở tay Ngài, làm thỏa nguyện mọi loài sinh vật. Đức Giê-hô-va là công chính trong mọi đường lối Ngài, và đầy nhân từ trong mọi công việc Ngài. Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu khẩn Ngài” (c.16-18).
Sự nhân từ và chăm sóc chu đáo của Chúa đã duy trì sự sống chúng ta mỗi phút giây, chu cấp cho chúng ta không khí để thở và thức ăn. Vì Ngài giàu lòng yêu thương, Đấng Sáng Tạo muôn loài vạn vật đã chạm khắc từng chi tiết tinh xảo nhất để chúng ta được tồn tại.
Tình yêu của Chúa thật sâu sắc và bất tận đến nỗi trong sự nhân từ và thương xót của Ngài, Ngài đã mở ra con đường đi đến sự sống đời đời và niềm vui trong sự hiện diện của Ngài, như thể để nói rằng: “Ta yêu con nhiều lắm, Ta chỉ muốn ở với con đời đời và cứ thế để thời gian trôi đi.”
Chú Giải
Thi Thiên 145 là thi thiên cuối cùng của Đa-vít, giới thiệu những bài ca ngợi khen (Thi Thiên 146-150) để kết thúc sách này một cách thích hợp. Thi Thiên này đặc biệt ca ngợi Đức Chúa Trời vì sự rời rộng và tốt lành của Ngài đối với con dân Ngài. Một điều đặc biệt là thi thiên này sử dụng nhiều từ khác nhau chỉ về sự “ngợi khen”: “tôn cao” (c.1); “chúc tụng” (c.2); “truyền tụng” và “công bố” (c.4); “suy ngẫm” (c.5); “truyền rao” (c.6); “loan truyền” và “reo mừng ca hát” (c.7). Trong câu 8, tác giả chúc tụng Đức Chúa Trời vì Ngài “luôn ban ơn, hay thương xót, chậm nóng giận và đầy nhân từ”. Đối với một số người, những cụm từ này dường như trái ngược với hình ảnh Đức Chúa Trời thịnh nộ thường được mô tả trong Cựu Ước. Nhưng Ngài luôn là Đức Chúa Trời của sự công chính và ân điển! Chúng ta thấy cụm từ “nhân từ và thương xót” được dùng để mô tả Ngài xuyên suốt Kinh Thánh Cựu Ước (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6; II Sử Ký 30:9; Nê-hê-mi 9:17; Thi Thiên 86:15; 103:8; 111:4; Giô-ên 2:13; Giô-na 4:2).