Vào đầu những năm 1960, nước Mỹ tràn ngập mong đợi về một tương lai tươi sáng. Vị tổng thống trẻ John F. Kenedy đã giới thiệu về Biên Giới Mới, Tổ chức Hòa Bình và nhiệm vụ bay lên mặt trăng. Nền kinh tế lớn mạnh khiến nhiều người mong đợi tương lai đơn giản là “cuộc sống có nhiều niềm vui”. Nhưng rồi cuộc chiến tại Việt Nam leo thang, tình trạng bất ổn quốc gia bị phơi bày, Kenedy bị ám sát và những chuẩn mực được chấp nhận của một xã hội đầy lạc quan trước đây bị phá bỏ. Sự lạc quan đơn giản là chưa đủ và cuối cùng sự vỡ mộng đã lan khắp.
Vào năm 1967, quyển Thần Học Về Hy Vọng của nhà thần học Jürgen Moltmann đã hướng tới một tầm nhìn rõ ràng hơn. Đây không phải là con đường của lạc quan mà là con đường của hy vọng. Hai con đường này khác nhau. Moltmann khẳng định rằng sự lạc quan là dựa trên hoàn cảnh hiện tại, nhưng hy vọng bắt nguồn từ sự thành tín của Đức Chúa Trời – cho dù hoàn cảnh của chúng ta có ra sao.
Đâu là nguồn của niềm hy vọng này? Phi-e-rơ đã viết: “Chúc tụng Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ! Bởi lòng thương xót dư dật của Ngài, chúng ta được tái sinh để có một hi vọng sống, nhờ sự sống lại từ cõi chết của Đức Chúa Jêsus Christ” (I Phi. 1:3). Đức Chúa Trời thành tín của chúng ta đã đắc thắng sự chết thông qua Con Ngài, là Chúa Jêsus! Thực tế của chiến thắng vĩ đại nhất vượt trên mọi chiến thắng này nâng chúng ta vượt lên sự lạc quan bình thường để đến với niềm hy vọng mạnh mẽ, kiên cường – mỗi ngày và trong mọi hoàn cảnh.
Chú Giải
Trong bản gốc Hy Lạp, I Phi-e-rơ 1:3-12 là một câu đơn liên tục. Học giả Kinh Thánh Scot McKnight chú thích trong quyển Giải Nghĩa Kinh Thánh Ứng Dụng NIV: Sách I Phi-e-rơ rằng dù là một câu rất dài nhưng “ngữ pháp của Phi-e-rơ vẫn vô cùng tuyệt vời” và cách Phi-e-rơ bày tỏ về vẻ đẹp của sự cứu rỗi rất sâu sắc. Ông tiếp tục giải thích rằng từng yếu tố trong lời tuyên bố ngợi khen của Phi-e-rơ xây dựng từ ý tưởng trước đó: Lời ngợi khen (c.3-5) dẫn đến lời tuyên bố về niềm vui bất chấp đau khổ (c.6-7). Niềm vui đó tập trung vào sự mong đợi về sự cứu rỗi cuối cùng của chúng ta (c.8-9), là điều mà tất cả các tiên tri đều nói đến và trông đợi (c.10-12).