Carl đang chiến đấu với căn bệnh ung thư và cần được ghép hai lá phổi. Anh cầu xin Chúa cho anh có được những lá phổi mới nhưng lại cảm thấy kỳ quặc khi xin như vậy. Anh thú nhận mình không cảm thấy thoải mái để cầu nguyện cho điều đó, bởi vì “ai đó phải chết đi để tôi có thể sống.”
Tình trạng khó xử của Carl đã nêu bật lẽ thật căn bản của Kinh Thánh: Đức Chúa Trời dùng sự chết để đem lại sự sống. Chúng ta thấy điều này trong câu chuyện ra khỏi Ai Cập. Sinh ra trong cảnh nô lệ, dân Y-sơ-ra-ên sống mòn mỏi dưới bàn tay áp bức của người Ai Cập. Pha-ra-ôn sẽ không buông tha họ cho đến khi Đức Chúa Trời biến điều đó trở thành vấn đề cá nhân. Tất cả con trai đầu lòng sẽ chết trừ khi gia đình đó giết một con chiên không tì vết và bôi máu nó trên trụ cửa (Xuất. 12:6-7, 12-13).
Ngày nay, bạn và tôi sinh ra đã ở trong xiềng xích của tội lỗi. Sa-tan sẽ không buông tha chúng ta cho đến khi Đức Chúa Trời biến điều đó trở thành vấn đề cá nhân, hy sinh Con toàn hảo của Ngài trên thập tự giá, và huyết Ngài phải đổ ra.
Chúa Jêsus kêu gọi chúng ta dự phần với Ngài chính tại nơi đó. Phao-lô giải thích: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Ga. 2:20). Khi đặt đức tin của mình nơi Chiên Con không tì vết của Đức Chúa Trời, là chúng ta cam kết mỗi ngày đồng chết với Ngài – chết về tội lỗi của mình để chúng ta có thể sống lại với Ngài trong một đời sống mới (Rô. 6:4-5). Chúng ta bày tỏ đức tin này mỗi khi nói không với xiềng xích của tội lỗi và nói vâng với sự tự do trong Đấng Christ. Khoảnh khắc chúng ta đồng chết với Đấng Christ chính là lúc chúng ta sống hơn bao giờ hết.
Chú Giải
Một trong những điều kỳ diệu của sự kiện Chúa Jêsus bị đóng đinh là sự kiện này xảy ra vào kỳ lễ Vượt Qua của dân Y-sơ-ra-ên. Trong ngày đó, câu chuyện của Môi-se và Chúa Jêsus đã hợp nhất với nhau. Kể từ đó, thế giới có cách hiểu mới về việc giết và ăn thịt chiên con lễ Vượt Qua, là điều vô cùng mầu nhiệm. Vào ngày này trong lịch cổ xưa của Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời của cõi sáng tạo đã phán xét các vị thần của Ai Cập bằng cách cho thấy sự bất lực của họ trong việc bảo vệ người khác. Vào ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên đó, Chúa của muôn chúa đã sử dụng việc giết chiên con và bữa ăn thiêng liêng để bày tỏ rằng chỉ có Ngài là nguồn đem đến sự sống và tự do. Tuy nhiên, phải đến khi Chúa Jêsus chịu chết, dân Y-sơ-ra-ên mới hiểu được sự kết nối giữa Ngài và chiên con của lễ Vượt Qua.