Tối ngày 3 tháng 4 năm 1968, một cơn bão dữ dội đã ập vào Memphis, Tennessee. Cảm thấy chán chường và không khỏe, Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King Jr. đã không có ý định sẽ trình bày bài phát biểu dự kiến để ủng hộ những công nhân vệ sinh đang đình công tại hội trường của một nhà thờ. Nhưng ông bất ngờ bởi cuộc điện thoại khẩn cấp nói rằng một nhóm người rất đông đã bất chấp thời tiết để đến nghe ông. Vì vậy, ông đã đến hội trường và phát biểu trong bốn mươi phút, trình bày những gì mà một số người cho rằng đó là bài phát biểu vĩ đại nhất của ông: “Tôi đã lên tới đỉnh núi”.
Ngày hôm sau, Mục sư King đã bị kẻ ám sát giết bằng một viên đạn, nhưng bài phát biểu của ông vẫn còn truyền cảm hứng cho những người bị đàn áp với niềm hy vọng về “miền đất hứa”. Tương tự, có một sứ điệp gây xúc động cũng đã nâng đỡ những người đầu tiên đi theo Chúa Jêsus. Sách Hê-bơ-rơ, được viết ra để khích lệ những tín hữu Do Thái đang đối diện với sự đe dọa vì cớ đức tin nơi Đấng Christ. Bức thư mang lại sự khích lệ thuộc linh vững chắc để không đánh mất hy vọng khi thúc giục: “hãy giơ bàn tay yếu đuối của anh em lên và làm vững mạnh đầu gối lỏng lẻo nữa” (12:12). Người Do Thái sẽ nhận ra lời kêu gọi đó có nguồn gốc từ tiên tri Ê-sai (Ês. 35:3).
Nhưng giờ đây, là môn đồ của Đấng Christ, chúng ta được kêu gọi “kiên trì theo đuổi cuộc đua đã bày ra cho chúng ta. Hãy nhìn xem Đức Chúa Jêsus, Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin” (Hê. 12:1-2). Khi làm như vậy, chúng ta sẽ “không chán nản hay ngã lòng” (c.3).
Chắc chắn, sóng gió và bão tố luôn chờ đợi chúng ta trong cuộc đời này. Nhưng trong Chúa Jêsus, chúng ta vượt qua những cơn bão của cuộc đời bằng cách đứng vững trong Ngài.
Chú Giải
Bởi vì sự bắt bớ dữ dội (xem Hê-bơ-rơ 10:32-39; 13:3), các tín hữu Do Thái bị áp lực phải từ bỏ đức tin nơi Chúa Jêsus và trở lại với Do Thái giáo. Dựa trên Hê-bơ-rơ 13:24, tác giả ẩn danh của sách Hê-bơ-rơ có lẽ từ Italy viết cho các tín hữu nản lòng, khích lệ họ giữ sự trung tín bằng cách “nhìn xem Đức Chúa Jêsus, Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin” (12:2). Tác giả nhấn mạnh sự cao trọng và thẩm quyền của Đấng Christ thông qua địa vị của Ngài là chính Đức Chúa Trời (chương 1-4) và tế lễ chuộc tội một lần đủ cả của Ngài (chương 5-10). Trong chương 12, tác giả sử dụng hình ảnh cuộc đua đường dài, với đông đúc khán giả cổ vũ để vận động viên hoàn thành cuộc đua đó. Sứ đồ Phao-lô cũng sử dụng ẩn dụ cuộc đua để khích lệ các tín hữu kiên trì bằng cách nhắm vào đích đến – để “hoàn tất cuộc chạy đua” (II Ti-mô-thê 4:7; xem I Cô-rinh-tô 9:24-27; Phi-líp 3:12-14).