Khi đang rời khỏi cửa hàng, Geoff con trai tôi trông thấy chiếc khung tập đi (một thiết bị hỗ trợ di chuyển) bị bỏ trên mặt đất. Cháu nghĩ: Mình hy vọng không có ai ở đó cần giúp đỡ. Geoff liếc nhìn về tòa nhà phía sau và thấy một người đàn ông vô gia cư nằm bất tỉnh trên lề đường.
Geoff lay ông dậy và hỏi ông có ổn không. Ông đáp: “Tôi đang cố uống rượu cho đến chết. Túp lều của tôi đã sụp trong một cơn bão và tôi đã mất tất cả. Tôi không muốn sống nữa.”
Geoff gọi cho mục vụ cai nghiện Cơ Đốc và trong khi chờ để được giúp đỡ, cháu chạy nhanh về nhà và mang đến cho người đàn ông ấy chiếc lều cắm trại của cháu. “Chú tên là gì?” Geoff hỏi. Người đàn ông vô gia cư trả lời: “Geoffrey, với một chữ G.” Geoff không nhắc đến tên của cháu hay cách viết khác thường của nó. Sau đó cháu nói với tôi: “Bố ơi, người đó có thể là con.”
Bản thân Geoff đã từng chiến đấu với ma túy và cháu đã giúp người đàn ông ấy bởi cớ sự nhân từ mà cháu đã nhận được từ Chúa. Tiên tri Ê-sai đã dùng những lời này để nói trước về lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với chúng ta trong Chúa Jêsus: “Tất cả chúng ta đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của tất cả chúng ta đều chất trên Người” (Ês. 53:6).
Đấng Christ, Cứu Chúa của chúng ta, không để chúng ta bị hư mất, cô đơn và chìm đắm trong tuyệt vọng. Ngài đã chọn trở nên giống như chúng ta và nâng đỡ chúng ta trong tình yêu, để chúng ta có thể được tự do sống cuộc đời mới trong Ngài. Không có món quà nào vĩ đại hơn thế.
Chú Giải
Ê-sai 53:1-6 là một phần của “Bài ca về Người đầy tớ chịu khổ” bắt đầu ở Ê-sai 52:13 và kết thúc ở Ê-sai 53:12. Đây là phân đoạn mà hoạn quan người Ê-thi-ô-pi trong Công Vụ 8:26-40 đang đọc. Trong câu chuyện này, nhà truyền giáo Phi-líp nói với hoạn quan Ê-thi-ô-pi rằng Ê-sai đang nói về Chúa Jêsus là Đấng Mê-si-a (Công Vụ 8:32-35). Ê-sai nói tiên tri về việc Đấng Mê-si-a bị đối xử tàn tệ: “Mặt mày Người… không giống con loài người” (Ê-sai 52:14). Ngài “từng trải sự đau khổ, biết sự đau ốm” (53:3). Điều này là để Đấng Christ có thể trả án phạt tội lỗi của chúng ta: “Người đã vì tội lỗi của chúng ta mà bị vết” và “bởi sự trừng phạt Người chịu, chúng ta được bình an” (c.5). Đây là sự bình an khó đạt được mà loài người khao khát và là trọng tâm của Phúc m mà Phi-líp đã chia sẻ với hoạn quan Ê-thi-ô-pi.