“Hãy chắp tay sau lưng. Em sẽ ổn thôi”. Đó là lời khuyên đầy yêu thương mà chồng của Jan luôn đưa ra trước khi cô bắt đầu buổi nói chuyện với một nhóm nào đó. Khi thấy mình đang cố gắng gây ấn tượng với mọi người hoặc tìm cách kiểm soát tình huống, cô sẽ áp dụng tư thế này để trở lại với tâm thế sẵn sàng học hỏi và lắng nghe. Cô dùng tư thế này để nhắc nhở bản thân luôn yêu thương những người trước mặt, khiêm nhường và sẵn sàng đi theo sự dẫn dắt của Thánh Linh.
Hiểu biết của Jan về sự khiêm nhường bắt nguồn từ sự nhận biết của vua Đa-vít rằng mọi sự đều đến từ Chúa. Đa-vít thưa với Chúa rằng: “Ngài là Chúa của con, ngoài Ngài ra, con không có phước nào khác” (Thi. 16:2). Ông học cách tin cậy Chúa và tìm kiếm lời khuyên dạy của Ngài: “Ngay cả ban đêm lương tâm con cũng nhắc nhở con” (c.7). Ông biết rằng khi có Chúa bên cạnh, ông sẽ không bị rúng động (c.8). Ông không cần phải tự cao bởi vì ông tin cậy Đức Chúa Trời quyền năng, Đấng yêu thương ông.
Khi đến với Chúa mỗi ngày, cầu xin Ngài giúp đỡ khi cảm thấy thất vọng, hoặc xin Ngài hướng dẫn chúng ta những lời phải nói, thì chúng ta sẽ thấy Ngài hành động trong cuộc đời mình. Chúng ta sẽ “hợp tác với Chúa” như Jan nói và sẽ nhận ra rằng nếu chúng ta làm tốt, thì đó là vì Chúa đã vùa giúp chúng ta.
Chúng ta hãy nhìn người khác bằng tình yêu thương, hai tay chắp sau lưng trong tư thế khiêm nhường để nhắc nhở mình rằng mọi điều chúng ta có đều đến từ Chúa.
Chú Giải
Các học giả tin rằng khi viết Thi Thiên 16, Đa-vít đang trốn chạy khỏi Sau-lơ. Trong I Sa-mu-ên, chúng ta thấy những điều ông trải qua ở thời điểm này. Ông trở thành thủ lĩnh của một nhóm người lập dị, thậm chí có thể là những người sống ngoài vòng pháp luật (22:1-2). Đa-vít sống trong hang động (c.1) một khoảng thời gian trước khi đi đến “đồn lũy” ở bên ngoài (c.5). Thậm chí cha và mẹ ông cũng phải rời khỏi nhà của họ (c.3-4). Tuy nhiên, ông viết: “Địa phận của con rơi nhằm nơi đất tốt” (Thi Thiên 16:6). Là một người trốn chạy, làm thế nào ông có thể nói lên những lời này? Đức tin của Đa-vít mạnh mẽ đến nỗi ông tin rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu ông khỏi khó khăn hiện tại, đồng thời tin cậy vào một “cơ nghiệp tuyệt vời” (c.6) chắc chắn có được trong tương lai. Đa-vít biết rằng ngôi vua đang chờ đợi ông, nhưng điều ông mong đợi nhất là được ở đời đời với Đức Chúa Trời (c.11).