Bố của bạn tôi vừa mất gần đây. Khi ông ấy bị bệnh, tình trạng xấu đi rất nhanh và ông ra đi chỉ trong vài ngày. Bạn tôi và bố của anh ấy luôn có mối liên hệ mật thiết, nhưng vẫn còn rất nhiều câu chưa hỏi, nhiều điều chưa trả lời và nhiều cuộc trò chuyện còn chưa thực hiện. Còn rất nhiều điều chưa nói, nhưng bây giờ bố anh đã mất. Bạn tôi là một tư vấn viên: anh biết những thăng trầm của nỗi đau và cách để giúp người khác vượt qua sóng gió cuộc đời. Tuy nhiên, anh nói với tôi: “Đôi khi, tôi chỉ cần nghe giọng nói của bố, sự đảm bảo về tình yêu của bố. Điều đó luôn luôn có ý nghĩa với tôi.”
Một sự kiện quan trọng khi Chúa Jêsus bắt đầu chức vụ trên đất là Ngài chịu báp-têm bởi Giăng. Dù Giăng cố gắng từ chối nhưng Chúa Jêsus nhấn mạnh rằng Ngài cần phải làm điều này để trở nên giống như con người: “Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta cần phải hoàn tất mọi việc công chính” (Mat. 3:15). Giăng đã vâng lời Chúa Jêsus. Và rồi, có một điều xảy ra đã công bố địa vị của Chúa Jêsus cho Giăng Báp-tít cũng như đám đông và chắc hẳn điều đó cũng đã chạm đến tấm lòng của Chúa Jêsus. Tiếng của Cha làm vững lòng Con Ngài: “Đây là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn” (c.17).
Chính tiếng nói đó làm vững lòng mỗi tín hữu về tình yêu thương lớn lao của Ngài dành cho chúng ta (I Gi. 3:1).
Chú Giải
Những lời đầu tiên của Chúa Jêsus trong sách Ma-thi-ơ là lời đáp của Ngài đối với Giăng Báp-tít khi ông từ chối làm phép báp-têm cho Chúa Jêsus vì thấy mình không xứng đáng (Ma-thi-ơ 3:13-14). Chúa Jêsus đáp: “Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta cần phải hoàn tất mọi việc công chính” (c.15). “Hoàn tất mọi việc công chính” có nghĩa là gì? “Công chính” có thể chỉ về sự vâng phục luật pháp và ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng từ này cũng có thể nói đến sự công chính của Đức Chúa Trời – sự tốt lành, công bằng và thành tín của Ngài.
Trong phân đoạn này, sự “công chính” dường như bao gồm cả hai ý nghĩa. Phép báp-têm của Chúa Jêsus được thực hiện để bày tỏ sự vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời để làm ứng nghiệm kế hoạch và lời hứa của Ngài. Thông qua phép báp-têm của Ngài, Chúa Jêsus nhận lấy mọi tội lỗi và nhu cầu được tái sinh của dân Y-sơ-ra-ên, làm ứng nghiệm hình ảnh của Ê-sai về Người đầy tớ chịu khổ (Ê-sai 42), Đấng cứu chuộc dân Y-sơ-ra-ên bằng cách nhận lấy mọi tội lỗi và đau khổ của họ. Nhưng trong khoảnh khắc đó, sự công chính thành tín của Đức Chúa Trời được bày tỏ cách quyền năng nhất khi lời hứa cứu chuộc dân Y-sơ-ra-ên và thế giới bắt đầu được ứng nghiệm.