Harriet Tubman không thể đọc hay viết. Khi còn ở tuổi thiếu niên, một người chủ nô độc ác đã khiến cô bị thương ở đầu. Vì vết thương đó, cô bị co giật và mất ý thức trong suốt phần đời còn lại. Nhưng ngay khi cô thoát khỏi cảnh nô lệ, Chúa đã dùng cô để giải cứu ba trăm người khác.
Được nhóm người có biệt danh là “Moses” giải cứu, Harriet đã dũng cảm thực hiện mười chín chuyến đi trở lại miền Nam trước Nội chiến để giải cứu những người khác. Cô vẫn tiếp tục ngay cả khi bị truy nã và tính mạng thường xuyên gặp nguy hiểm. Là tín đồ sốt sắng, cô mang theo Kinh Thánh và Thánh Ca trong mỗi chuyến đi và nhờ người khác đọc những câu mà cô cam kết sẽ ghi nhớ và trích dẫn thường xuyên. Cô nói: “Tôi cầu nguyện cho công việc của mình mọi lúc, mọi nơi; tôi luôn thưa chuyện với Chúa.” Cô cũng dâng vinh hiển cho Chúa trong những thành công nhỏ nhất. Cuộc đời của cô là minh chứng hùng hồn về lời dạy của sứ đồ Phao-lô cho những tín hữu đầu tiên: “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi; hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Jêsus” (I Tê. 5:16-18).
Khi chúng ta nương dựa vào Chúa trong từng giây phút và sống trong sự cầu nguyện, ngợi khen Ngài dù gặp khó khăn, thì Ngài sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để hoàn thành những nhiệm vụ dù là khó khăn nhất. Đấng Cứu Thế vĩ đại hơn bất cứ điều gì chúng ta phải đối mặt và Ngài sẽ dẫn dắt khi chúng ta tìm đến Ngài.
Chú Giải
Một tiêu đề phù hợp với thư tín đầu tiên của Phao-lô gửi cho người Tê-sa-lô-ni-ca có lẽ là “Bức Thư Phải Đọc”. Phao-lô nói trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:27: “tôi yêu cầu anh em hãy đọc thư nầy cho tất cả anh em được nghe”. Phao-lô muốn các tín hữu ở thế kỷ đầu tiên nắm lấy sự dạy dỗ mà Thánh Linh cảm thúc ông. Lời dạy dỗ vượt thời gian của ông vẫn còn ích lợi cho các tín hữu ngày nay. Trong số những sách khác, sách Tê-sa-lô-ni-ca có thể được xem là “sách vỡ lòng về lai thế học” (giáo lý trong Kinh Thánh liên quan đến “những sự cuối cùng”). Mỗi chương trong năm chương bao gồm những thông tin liên quan đến sự trở lại của Đấng Christ. Nhà giải kinh William Hendriksen nói: “Có một sự thật rõ ràng rằng trong thư I Tê-sa-lô-ni-ca, mỗi chương đều kết thúc bằng lời đề cập đến sự tái lâm. Hãy xem 1:10; 2:19; 3:11-13; 4:13-18; 5:23, 24”. Chúng ta không được lơ là về ngày Chúa Jêsus sẽ trở lại và cai trị như một Thẩm phán công chính. Đọc và làm theo thư I Tê-sa-lô-ni-ca sẽ giúp chúng ta chuẩn bị cho ngày đó.