Đó là 3 giờ sáng tại một bệnh viện chăm sóc bệnh cấp tính. Một bệnh nhân lo lắng nhấn nút gọi lần thứ tư trong vòng một tiếng đồng hồ. Cô điều dưỡng trực đêm trả lời không chút phàn nàn. Ngay sau đó, một bệnh nhân khác đang la hét, khóc lóc để được chú ý. Cô vẫn bình tĩnh. Năm năm trước, cô đã xin trực ca đêm để tránh tình trạng náo nhiệt của bệnh viện vào ban ngày. Nhưng rồi thực tế đến. Làm việc ban đêm thường có nghĩa là phải đảm nhận thêm những công việc khác, chẳng hạn như phải một mình nâng và lật bệnh nhân. Và nó cũng có nghĩa là giám sát chặt chẽ tình trạng của bệnh nhân để có thể thông báo cho bác sĩ trong trường hợp khẩn cấp.
Dù có sự hỗ trợ của các đồng nghiệp cùng trực đêm, nhưng nữ điều dưỡng này vẫn phải vật lộn để có được giấc ngủ đầy đủ. Cô thường nhờ hội thánh cầu nguyện, và cô luôn xem công việc của mình là quan trọng. “Ngợi khen Chúa, lời cầu nguyện của hội thánh đã tạo nên sự khác biệt.”
Lời ngợi khen của cô là tốt và đúng đắn đối với một nhân viên làm đêm – cũng như với tất cả chúng ta. Tác giả thi thiên viết: “Hỡi các đầy tớ Đức Giê-hô-va, là những người ban đêm đứng trong nhà Chúa, hãy ca ngợi Đức Giê-hô-va! Hãy giơ tay lên hướng về nơi thánh, và chúc tụng Đức Giê-hô-va!” (Thi.134:1-2)
Thi thiên này được viết cho những người Lê-vi trông coi đền thờ, họ nhận biết tầm quan trọng của công việc họ đang làm – là bảo vệ đền thờ cả ngày lẫn đêm. Trong thế giới không ngừng nghỉ của chúng ta, thật thích hợp khi chia sẻ Thi Thiên này, đặc biệt cho những người làm việc vào ban đêm. Nhưng mỗi người trong chúng ta cũng có thể ngợi khen Chúa trong đêm. Như Thi Thiên này nói thêm: “Nguyện Đức Giê-hô-va là Đấng dựng nên trời và đất, từ Si-ôn ban phước cho ngươi!” (c.3).
Chú Giải
Thi Thiên 120-134 là một tuyển tập mười lăm bài hát, được gọi chung là “Thi Thiên hành hương” hoặc “Bài ca đi lên từng bậc” trong sách thánh ca của người Do Thái. Ba lần mỗi năm, tất cả đàn ông Do Thái đều đi lên đền thờ ở Giê-ru-sa-lem để tham dự ba kỳ lễ lớn hằng năm: Lễ Bánh không men (Lễ Vượt qua), Lễ Các tuần (Lễ Ngũ tuần) và Lễ Lều tạm (Phục Truyền 16:16). Vì thành Giê-ru-sa-lem nằm trên địa hình đồi núi (Thi Thiên 48:1-2; 125:2), nên những người hành hương này phải “đi lên từng bậc” để đến đó. Do đó, phần đề tựa ghi chú cho những bài ca này là “Bài ca đi lên từng bậc”.
Thi Thiên 134 là bài ca cuối cùng trong tuyển tập này, như là một lời cầu nguyện và kết thúc thích hợp đối với những người hành hương. Nhà giải kinh Warren Wiersbe nói rằng bài ca này nhắc nhở chúng ta rằng sự thờ phượng Đức Chúa Trời không bao giờ kết thúc (c.2) và ơn phước của Ngài cũng không bao giờ dừng lại (c.3).