Anne, nhân vật chính trong loạt truyện Anne Tóc Đỏ Dưới Chái Nhà Xanh, luôn khao khát có một gia đình. Là trẻ mồ côi, Anne đã mất đi hy vọng tìm được một nơi gọi là nhà. Nhưng sau đó cô biết rằng một người đàn ông lớn tuổi tên là Matthew và chị gái của ông là Marilla sẽ đón nhận cô. Trên chuyến xe buýt về nhà của họ, Anne xin lỗi vì đã nói quá nhiều, nhưng ông Matthew, một người trầm tính nói: “Cháu có thể nói thoải mái, miễn là cháu thích. Ta không thấy phiền đâu”. Điều này như tiếng nhạc bên tai Anne. Cô cảm thấy chưa từng có ai muốn cô ở bên, càng không muốn nghe cô nói huyên thuyên. Sau khi đến nơi, hy vọng của cô tan thành mây khói khi cô biết các anh chị em nghĩ rằng họ sẽ có được một cậu bé để giúp đỡ công việc đồng án. Cô sợ bị trả về, nhưng nỗi khao khát về mái ấm yêu thương của Anne đã được đáp ứng khi họ xem cô như một phần của gia đình.
Tất cả chúng ta đều có những lúc cảm thấy cô đơn hoặc không ai cần đến mình. Nhưng khi chúng ta trở thành một phần của gia đình Đức Chúa Trời qua sự cứu rỗi trong Chúa Jêsus, Ngài trở thành nơi nương náu cho chúng ta (Thi. 62:2). Đức Chúa Trời vui thích về chúng ta và mời gọi chúng ta trò chuyện với Ngài về mọi thứ: những lo lắng, cám dỗ, buồn phiền và hy vọng. Tác giả Thi Thiên nói rằng chúng ta có thể “nghỉ an nơi Đức Chúa Trời” và “dốc đổ nỗi lòng mình ra trước mặt Ngài” (c.5, 8).
Đừng ngần ngại. Hãy tự do trò chuyện với Chúa. Ngài sẽ không phiền đâu. Ngài vui thích tấm lòng của chúng ta. Và bạn sẽ tìm thấy một nơi nương náu trong Ngài.
Chú Giải
Đa-vít sử dụng bốn từ khác nhau trong Thi Thiên 62 để mô tả quyền năng bảo vệ của Đức Chúa Trời: vầng đá, sự cứu rỗi, đồn lũy và nơi ẩn náu. Mặc dù những từ này đều gợi lên ý tưởng về sự bảo vệ và giải cứu, nhưng ý nghĩa cụ thể của từng từ tạo ra một bức tranh trọn vẹn hơn. Ý nghĩa chính của từ tsur trong tiếng Hê-bơ-rơ, được dịch là “vầng đá”, chỉ về một bức tường đá hoặc vách đá – một nơi khó tiếp cận. Từ để chỉ sự cứu rỗi là yeshuah. Chúa Jêsus (Iēsous trong tiếng Hy Lạp, Yeshua trong tiếng Hê-bơ-rơ) có nghĩa là “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi” (xem Ma-thi-ơ 1:21). Mặc dù từ yeshuah thường được dịch là “sự cứu rỗi”, nhưng từ này cũng có thể được dịch là “sự giải phóng” – có thể được hiểu là Đức Chúa Trời là Đấng đem chúng ta ra khỏi những mối đe dọa mà đối với tác giả thi thiên là cả về thể xác lẫn tâm linh. “Đồn lũy” được dịch từ misgav, chỉ về nơi trú ẩn; Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một nơi an toàn khi những hiểm nguy đe dọa. Cuối cùng, machseh được dịch là “nơi ẩn náu”, chỉ về nguồn của sự hy vọng và tin cậy.