Juanita kể cho cháu trai nghe rằng cô lớn lên trong thời kỳ Đại Suy Thoái. Gia đình của cô rất nghèo, chỉ có táo để ăn, cộng với bất cứ thứ gì bố cô săn được. Mỗi khi bố xách một con sóc về cho bữa tối, mẹ cô sẽ nói: “Cho mẹ phần đầu của con sóc đi. Mẹ chỉ muốn ăn phần đầu. Đó là miếng thịt ngon nhất”. Nhiều năm sau, Juanita nhận ra rằng đầu sóc không hề có chút thịt nào. Mẹ cô không hề ăn. Mẹ chỉ giả vờ đó là phần ngon “để bọn trẻ chúng tôi có thể ăn nhiều hơn và chúng tôi sẽ không lo lắng về mẹ.”
Khi chúng ta kỷ niệm Ngày của Mẹ vào ngày mai, ước mong chúng ta cũng nhắc lại những câu chuyện về sự hy sinh của mẹ mình. Hãy cảm ơn Chúa cho chúng ta có mẹ và hãy cố gắng yêu thương mẹ nhiều hơn.
Sứ đồ Phao-lô đã chăm sóc Hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca “như một người vú săn sóc các con mình” (I Tês. 2:7). Ông vô cùng yêu thương họ, vượt qua “nhiều sự chống đối” để nói về Chúa Jêsus cho họ và chia sẻ cả mạng sống mình với họ (c.2, 8). Trong khi rao giảng Tin Lành cho họ, ông “làm việc ngày đêm để không trở thành gánh nặng cho một ai trong [họ]” (c.9). Sự tận tụy của ông cũng giống như tình yêu hy sinh của người mẹ vậy.
Thật khó để cưỡng lại tình yêu của người mẹ và Phao-lô khiêm tốn nói rằng những nỗ lực của ông “không phải là vô ích” (c.1). Chúng ta không thể quyết định cách người khác đáp ứng, nhưng chúng ta có thể ở bên cạnh họ ngày này qua ngày khác, để phục vụ họ trong tinh thần hy sinh. Mẹ sẽ tự hào về chúng ta và Cha Thiên Thượng của chúng ta cũng vậy.
Chú Giải
Thư I Tê-sa-lô-ni-ca có thể là bức thư đầu tiên nhất của sứ đồ Phao-lô, được viết vào khoảng năm 50 SC gửi cho hội thánh được thành lập tại Tê-sa-lô-ni-ca trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai của ông (Công Vụ 17). Đối diện với đám đông phản đối lời tuyên bố của Phao-lô và Si-la rằng Chúa Jêsus – chứ không phải Sê-sa – mới là vị vua thật (c.7), Phao-lô và Si-la buộc phải rời khỏi thành để bảo vệ hội thánh khỏi bị bắt bớ. Việc phải rời đi, để lại một cộng đồng đức tin còn non nớt là điều đau đớn mà Phao-lô mô tả như là “xa cách (bị mồ côi)… ít lâu” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:17). Sau đó, Ti-mô-thê được sai đến để giúp đỡ cộng đồng tân tín hữu tại đây (3:1-5). Sau khi nghe báo cáo tốt đẹp của Ti-mô-thê về sự tăng trưởng đức tin của họ (c.6), Phao-lô đã tái kết nối và khích lệ các tín hữu Cô-rinh-tô qua bức thư này.