Một viên cảnh sát tại bang Atlanta đã hỏi một nữ tài xế rằng cô ấy có biết lý do mình bị dừng xe không? “Tôi không biết!” cô bối rối trả lời. Viên cảnh sát nhẹ nhàng nói: “Thưa chị, chị đã nhắn tin khi đang lái xe”. Người phụ nữ phản đối, giơ điện thoại di động ra làm bằng chứng: “Không phải đâu! Tôi gửi email mà.” Chúng ta không thể lợi dụng kẽ hở của luật cấm nhắn tin khi lái xe để dùng điện thoại gửi email! Mục đích của luật này không phải là ngăn chặn việc nhắn tin, mà để ngăn việc lái xe mất tập trung.
Chúa Jêsus lên án các nhà lãnh đạo tôn giáo trong thời của Ngài vì họ đã tạo ra những kẽ hở luật pháp một cách tệ hơn nhiều. Ngài nói: “Các ngươi khéo bỏ điều răn của Đức Chúa Trời để giữ lấy truyền thống của mình!” và Ngài lấy điều răn “hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” làm bằng chứng. Dưới vỏ bọc mộ đạo giả hình, những lãnh đạo giàu có này đang bỏ mặc gia đình họ. Họ tuyên bố tiền của họ “đã dâng cho Đức Chúa Trời”, và họ không cần phải giúp đỡ bố mẹ già nữa. Chúa Jêsus đã đi thẳng vào vấn đề. Ngài phán: “Các ngươi cố bám giữ truyền thống của mình mà chối bỏ lời Đức Chúa Trời” (c.13). Họ không kính sợ Chúa và không tôn kính cha mẹ của mình.
Việc biện minh có thể ở dưới những hình thức rất tinh vi nhằm trốn tránh trách nhiệm, bào chữa cho hành vi ích kỷ của mình và khước từ điều răn Chúa dạy. Nếu chúng ta đang có những biểu hiện trên thì chúng ta chỉ đang tự lừa dối mình. Chúa Jêsus ban cơ hội để chúng ta đầu phục khuynh hướng ích kỷ của bản thân và nhận lấy sự hướng dẫn của Thánh Linh đằng sau những lời dạy tốt lành của Cha Ngài.
Chú Giải
Lời buộc tội nặng nề của Chúa Jêsus đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo (Mác 7:1, 5), tức người Pha-ri-si và các thầy thông giáo trở nên nổi bật hơn khi chúng ta xem xét những từ ngữ mà Ngài sử dụng. Ngài gọi họ là “bọn đạo đức giả” (hypokritēs, c.6). Hành động của những nhà lãnh đạo tôn giáo này không giống như những điều họ nói. Họ đã “bỏ điều răn của Đức Chúa Trời mà giữ tập tục của loài người” (c.8). Từ được dịch là “bỏ” (aphiēmi) được sử dụng rộng rãi trong Tân Ước và có ý nghĩa “xua đuổi” hoặc “giải thoát”. Mặc dù họ đã “bỏ” các mạng lệnh đầy thẩm quyền của Đức Chúa Trời, nhưng họ lại “giữ” (krateō) các tập tục của mình. Một từ khác thể hiện sai lầm của những người lãnh đạo tôn giáo này là “chối bỏ” (akyroō, một thuật ngữ pháp lý nói đến sự “bác bỏ”, c.13). Tuân thủ bất kỳ hệ thống nào mà “tập tục” được đề cao hơn “lẽ thật” của Đức Chúa Trời thì đều đáng bị quở trách.