“Tôi đã trải qua một thời kỳ đen tối.” Những lời đó đã thể hiện nỗi đau nội tâm của một người nổi tiếng trong suốt đại dịch COVID-19. Thích nghi với cuộc sống bình thường mới cũng là một thử thách đối với cô, và trong cơn khủng hoảng, cô thừa nhận mình đã vật lộn với ý định tự sát. Cô đã cố thoát khỏi tình trạng ngày càng lún sâu vào trầm cảm bằng nhiều cách, một trong số đó là chia sẻ trận chiến của mình với một người bạn quan tâm đến cô.
Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi ngày, giờ và các mùa luôn thay đổi. Những vực thẳm hay khó khăn không phải là điều xa lạ nhưng thoát ra khỏi đó là một thách thức lớn. Và đôi khi, chúng ta cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia về sức khỏe tinh thần.
Lời cầu nguyện của Đa-vít khi ông đối diện với thời kỳ đen tối được chép trong Thi Thiên 143 đem đến cho chúng ta sự dạy dỗ.
Chúng ta không biết chính xác hoàn cảnh lúc đó, nhưng lời cầu nguyện của ông với Chúa rất chân thành và đầy hy vọng.
“Kẻ thù đuổi theo linh hồn con, Chà đạp mạng sống con dưới đất; Hắn làm cho con phải ở nơi tối tăm, giống kẻ đã chết từ lâu rồi. Vì vậy tâm linh con mỏi mòn, tâm hồn con tuyệt vọng” (c.3-4). Đối với Cơ Đốc nhân, việc thừa nhận với bạn bè, hay các chuyên gia y tế về những gì đang diễn ra bên trong chúng ta là không đủ. Chúng ta phải tha thiết đến với Chúa (trong suy nghĩ và tất cả) bằng lời cầu nguyện bao gồm những lời khẩn cầu như trong Thi Thiên 143:7-10. Những thời khắc đen tối cũng có thể là lúc đem đến những lời cầu nguyện sâu sắc để chúng ta tìm kiếm ánh sáng và sự sống chỉ có nơi Ngài.
Chú Giải
Một số học giả danh tiếng lý luận rằng Thi Thiên 143 được viết trong khi Đa-vít chạy trốn con trai mình là Áp-sa-lôm, là người đã cùng với một lực lượng nổi dậy đông đảo tìm cách chiếm lấy ngai vàng của cha mình. Bất kể hoàn cảnh như thế nào, rõ ràng thi thiên này cho thấy Đa-vít cảm thấy bị đe dọa nặng nề bởi một kẻ thù chết chóc (c.3, 7, 9). Và thật thú vị khi Đa-vít cầu xin Đức Chúa Trời “tiêu diệt hết mọi kẻ thù [của ông]” (c.12). Điều này nói gì về ông? Nếu những kẻ thù này thực sự là dân Y-sơ-ra-ên tham gia vào cuộc nội chiến chống lại ông, thì chắc chắn họ sẽ nhớ đến nhiều tội lỗi của ông, bao gồm việc ngoại tình công khai với Bát Sê-ba – yếu tố khơi dậy những lời đồn đại ác ý và động cơ của âm mưu chống lại nhà vua. Điều này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc mới mẻ về những lời của Đa-vít: “Xin đừng phán xét đầy tớ Chúa, vì trước mặt Chúa chẳng người sống nào được xưng là công chính” (c.2).