Zach Elder và những người bạn kéo thuyền lên bờ sau chuyến chèo bè phao kéo dài 25 ngày qua hẻm núi Grand Canyon. Người đàn ông đến lấy bè phao đã nói với họ về vi-rút COVID-19 và họ nghĩ rằng ông ấy đang nói đùa. Nhưng khi họ rời khỏi hẻm núi, điện thoại của họ liên tục báo tin nhắn khẩn cấp của bố mẹ. Zach và những người bạn đã vô cùng sửng sốt. Họ ước mình có thể quay trở lại dòng sông và thoát khỏi những gì mà bây giờ họ đã biết.
Trong một thế giới sa ngã, sự hiểu biết thường mang lại nỗi đau. Người thầy khôn ngoan trong sách Truyền Đạo đã nói: “Vì càng nhiều khôn ngoan, càng thêm phiền não; Ai thêm tri thức là thêm khổ đau” (1:18). Ai mà không ghen tị với sự ngây thơ đầy hạnh phúc của một đứa trẻ chứ? Bởi vì nó chưa biết gì về nạn phân biệt chủng tộc, bạo lực và ung thư. Chẳng phải chúng ta đã hạnh phúc hơn trước khi lớn lên và nhận ra những điểm yếu và tội lỗi của chính mình sao? Trước khi chúng ta biết được bí mật của gia đình mình — tại sao chú của chúng ta uống rượu nhiều hoặc điều gì khiến cha mẹ chúng ta ly hôn?
Chúng ta không thể ước cho nỗi đau từ sự hiểu biết biến mất. Một khi chúng ta đã biết thì việc giả vờ như không biết chẳng có ích lợi gì. Nhưng có một sự hiểu biết cao hơn giúp chúng ta có thể chịu đựng, thậm chí phát triển. Chúa Jêsus chính là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, là ánh sáng chiếu soi trong sự tối tăm của chúng ta (Giăng 1:1-5). Ngài “đã ban cho chúng ta sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời – tức là sự công bình, thánh khiết và sự cứu chuộc của chúng ta” (I Cô. 1:30). Nỗi đau là lý do để bạn chạy đến với Chúa Jêsus. Ngài biết rõ bạn và quan tâm đến bạn.
Chú Giải
Sách Châm Ngôn quen thuộc bao nhiêu thì sách Truyền Đạo lại xa lạ bấy nhiêu. Tác giả Ray Pritchard nói rằng “tỷ lệ người thường xuyên đọc sách Châm Ngôn so với Truyền Đạo là khoảng 1000:1”. Mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng chúng ta không nên bỏ lỡ tầm quan trọng của sách này. Sách Truyền Đạo giống như những dòng nhật ký của tác giả (nhiều người cho là Sa-lô-môn), ghi lại cuộc tìm kiếm sự thỏa nguyện, kết quả của cuộc tìm kiếm và một số lời khuyên. Luận điểm của sách được đưa ra trong câu 2: “Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không! Tất cả đều hư không”. Làm thế nào để giữ cân bằng với thực tế rằng sự tồn tại của chúng ta trên thế giới này là một món quà đến từ Đức Chúa Trời yêu thương? Mặc dù trọng tâm được nhấn mạnh nhiều lần trong sách này là “tất cả đều hư không”, sách cũng nhấn mạnh thực tế rằng cách để sống tốt nhất trong cuộc sống mong manh này là “kính sợ Đức Chúa Trời”(xem 12:13-14).